Do sự tăng trưởng một cách mạnh mẽ của bé cưng trong bụng, 3 tháng cuối thai kỳ được xem là giai đoạn gây nhiều phiền toái nhất cho bà bầu. Làm thế nào để vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng, suôn sẻ?
Với những bí kíp chăm sóc bà bầu 3 tháng cuối sau đây, những buổi khám thai, chế độ dinh dưỡng hay những triệu chứng khó chịu sẽ không còn là mối bận tâm lớn của mẹ bầu trong giai đoạn này. Tham khảo ngay nhé!
Chăm sóc bà bầu 3 tháng cuối như thế nào mới tốt?
1/ Chăm sóc bà bầu 3 tháng cuối: Những xét nghiệm quan trọng
Với mục đích kiểm tra sức khỏe mẹ bầu và thai nhi, những xét nghiệm trong 3 tháng cuốithai kỳ chủ yếu tập trung vào một số bệnh thông thường như thiếu máu, tiểu đường thai kỳ, liên cầu khuẩn…
Bên cạnh đó, trong những tháng cuối cùng này, các bác sĩ sẽ kiểm tra và “chốt” một lần cuối trước khi sinh những bất thường ở động mạch, tim và một số vùng ở cấu trúc não hay những bất thường về nhau thai, ngôi thai, nước ối… Khi có điều gì “không đúng” xảy ra, tuy không thể thay đổi tình hình, nhưng bầu có thể chọn cho mình cách ứng phó an toàn nhất như chọn nơi sinh, chọn cách sinh…
2/ Bổ sung dinh dưỡng cho bà bầu trong 3 tháng cuối
Không chỉ giúp thai nhi bổ sung dưỡng chất cho giai đoạn phát triển “thần tốc”, chế độ dinh dưỡng phù hợp trong 3 tháng cuối còn là tiền đề quan trọng để mẹ bầu vượt cạn một cách dễ dàng hơn.
Vì vậy, trong giai đoạn này, ngoài việc tăng cường nhóm thực phẩm giàu đạm, sắt, can-xi, chất béo, bầu nên tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin C, thành phần quan trọng trong quá trình hình thành các mô liên kết ở da, xương và đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương. Đồng thời, vitamin C cũng giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn, ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt ở phần lớn các mẹ bầu trong 3 tháng cuối.
3/ Thể dục cho bà bầu trong 3 tháng cuối
Cơ thể trở nên “ì ạch” và cảm giác lo lắng có thể gây hại cho thai nhi khiến nhiều mẹ bầu “chùn chân” khi nghĩ đến việc tập thể dục trong giai đoạn này. Thực tế, theo các chuyên gia dinh dưỡng và y tế, bà bầu tập thể dục trong 3 tháng cuối không chỉ giúp bé cưng phát triển tốt hơn mà còn có thể giúp “hành trình” vượt cạn diễn ra nhẹ nhàng, nhanh chóng hơn rất nhiều. Do đó, trừ khi có khuyến cáo đặc biệt từ bác sĩ chuyên khoa, nếu không, mẹ bầu không nên lơ là những bài tập trong 3 tháng cuối thai kỳ.
4/ Chăm sóc bà bầu 3 tháng cuối: Cẩn thận với chứng phù nề
Lưu lượng máu gia tăng “dữ dội” trong tam cá nguyệt thứ 3 là nguyên nhân khiến nhiều mẹ bầu rơi vào tình trạng sưng, phù chân tay. Đây là một hiện tượng khá phổ biến trong thai kỳ. Tuy nhiên, nếu sưng phù chân đi kèm với cảm giác mí mắt nặng nề, chân nặng, da bóng, mất những nếp nhăn ở cổ tay, chân, bầu nên đi khám bác sĩ. Sưng phù chân trong một vài trường hợp có thể là dấu hiệu của nhiễm độc thai nghén, rất nguy hiểm.
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn