DHA có nhiều trong các loại hải sản như tôm, cá sinh sống ở những vùng biển lạnh như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích, cá chình…
DHA (Docosa-Hexaenoic-a-xít) là a-xít béo không no cần thiết thuộc nhóm a-xít béo omega 3. Ngoài các a-xít béo thuộc nhóm omega 3, còn phải kể đến a-xít béo không no omega 6 (Arachidonic a-xít).
Vai trò, tác dụng của DHA?
DHA là nhân tố quan trọng cho sự phát triển hoàn hảo của màng tế bào và sự tạo thành các cơ mới của bào thai. Não bộ và dây thần kinh đặc biệt giàu DHA. Trong 3 tháng cuối thai kì, DHA đồng hóa trong não thai nhi nhanh gấp 3 - 5 lần so với tháng thai đầu tiên. Não bộ của thai nhi phát triển mạnh trong những tháng cuối thai kì và lúc mới sinh, do đó việc hấp thụ những a-xít béo này là rất quan trọng. Nếu thiếu DHA trong quá trình phát triển trẻ sẽ có chỉ số thông minh (IQ) thấp. Ngoài ra, DHA còn cần thiết cho phát triển hoàn thiện chức năng nhìn của mắt. Ở người trưởng thành DHA có tác dụng giảm cholesterol toàn phần, và triglyceride máu, LDL-cholesterol (cholesterol xấu) giúp dự phòng xơ vữa động mạch, bệnh nhồi máu cơ tim.
Chế độ ăn của chúng ta có hàm lượng DHA ít hơn một nửa so với cần thiết (Ảnh: Internet)
Mẹ bầu cần bổ sung DHA như thế nào cho đúng?
DHA rất tốt cho sức khỏe của mẹ và bé. Trong thời gian mang thai, cơ thể mẹ sẽ cần lượng DHA để thích ứng với nhu cầu của bé. Chất dinh dưỡng này sau đó sẽ tích lũy cho não đang phát triển của bé giúp trẻ có chỉ số IQ cao hơn, khả năng tập trung cao, phát triển vận động cao hơn và thị lực cũng tốt hơn. Quá trình này sẽ đi đến đỉnh điểm trong tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ) và trong suốt năm đầu đời của bé. Việc bổ sung DHA trong thai kỳ của một người mẹ có thể làm giảm nguy cơ sinh non, ngay cả đối với các bà mẹ đã từng bị sinh non.
DHA không tự tổng hợp được mà phải đưa vào từ nguồn thực phẩm. Chế độ ăn thường ngày của chúng ta thông thường có hàm lượng DHA ít hơn một nửa so với cần thiết.
DHA có nhiều trong các loại hải sản như tôm, nhất là cá sinh sống ở những vùng biển lạnh như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích, cá chình… Khi ăn cá, mẹ nên ăn hạn chế những loại cá có hàm lượng thủy ngân cao (cá hồi, cá thu) vì chúng có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Các loại rau lá xanh, quả óc chó và các loại quả hạch, trứng cũng là nguồn cung cấp DHA phong phú. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên tăng cường các loại dầu thực vật chứa nhiều a-xít béo omega 3 hoặc mỡ động vật như mỡ gia cầm cũng có chứa nhiều chất béo này. Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần chú ý nên bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết khác như: Sắt, a-xít folic, canxi, vitamin… để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của mẹ và thai nhi.
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn