Theo khuyến cáo, nếu cân nặng của bầu vượt hoặc thấp hơn chuẩn cho phép, nguy cơ gặp biến chứng thai kỳ là rất cao, và điều này hầu như mẹ bầu nào cũng thuộc "nằm lòng". Tuy nhiên, bạn có biết, không chỉ ảnh hưởng đến bé cưng hiện tại, trọng lượng trong thời gian mang thai lần đầu còn có thể ảnh hưởng đến em bé trong những lần mang thai kế tiếp?
Nếu có ý định mang thai lần 2, hẳn bạn nên cân nhắc cẩn thận ngay từ lần đầu tiên này
Theo kết quả nghiên cứu của đại học Saint Louis được công bố trên tạp trí Sản khoa của Mỹ cho thấy, với những mẹ bầu đã từng có cân nặng “không đúng chuẩn” ở lần mang thai đầu tiên thì dù mang thai lần 2 có tăng cân vừa phải, bạn vẫn có nguy cơ đối mặt với những biến chứng thai kỳ.
Không chỉ những người tăng cân quá nhiều mới có nguy cơ gặp phải các biến chứng, theo các chuyên gia, biến chứng vẫn có thể xảy ra với những mẹ bầu tăng có cân nặng thấp hơn so với khuyến cáo BMI của các bác sĩ sản khoa. Hơn nữa, nghiên cứu còn chỉ ra rằng, thậm chí với những bà mẹ tăng cân quá nhiều hoặc quá ít nhưng không gặp biến chứng và sinh em bé khỏe mạnh ở lần đầu tiên, nguy cơ gặp “biến cố” trong lần mang thai thứ 2 vẫn rất cao, cho dù lần này họ duy trì cân nặng ở mức vừa phải.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát hồ sơ của 121.092 phụ nữ mang thai trong giai đoạn từ năm 1989-2005 và phát hiện ra rằng những phụ nữ bị nhẹ cân khi mang thai lần đầu có tỷ lệ sinh non tăng hơn 20% so với những mẹ bầu có cân nặng trung bình. Bên cạnh đó, những mẹ bầu bị béo phì khi lần đầu tiên mang thai có nhiều nguy cơ gặp biến chứng hơn so với phụ nữ cân nặng bình thường: 156% mẹ bầu có cân nặng vượt chuẩn gặp vấn đề liên quan đến tiền sản giật, 54% thai nhi có trọng lượng “quá khổ”, 85% phải sinh mổ và có 37% thai nhi bị tử vong trong vòng 28 ngày đầu tiên sau khi sinh.
Với những nguy cơ trên, các chuyên gia khuyến cáo những phụ nữ đang trong giai đoạn “mang nặng” nên cố gắng duy trì mức cân nặng phù hợp ngay trong lần mang thai đầu tiên để tránh những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe mẹ và bé. Các chuyên gia cũng lưu ý, những người có mức cân nặng quá cao hoặc quá thấp trong lần mang thai đầu tiên cũng nên được theo dõi cẩn thận trong những lần mang thai sau.
Mách bầu “bí kíp” tăng cân khi mang thai
- Cân nặng chuẩn:
Thông thường, các chuyên gia sẽ dựa vào chỉ số BMI trước khi mang thai để cân nhắc mức cân nặng phù hợp trong thời gian mang thai của bạn. Nếu chỉ số BMI giao động từ 18,5 đến 24,9, bạn nên tăng thêm từ 11 – 16 kg. Ngược lại, với những người có mức BMI dưới 18,5 nên tăng thêm từ 12- 18 kg và những người có BMI từ 30 trở lên nên tăng từ 5 – 9 kg khi mang thai. Những người mang thai đôi, nên tăng từ 16 – 20kg.
- Dinh dưỡng hợp lý:
Để duy trì những hoạt động bình thường trong ngày, trung bình một phụ nữ bình thường cần khoảng 1.600-2.200 calo, và nhu cầu này sẽ tăng thêm khoảng 300 – 450 calo khi mang thai. Theo khuyến cáo, bên cạnh 3 bữa chính mỗi ngày, bầu nên ăn thêm 1-2 bữa phụ xen kẽ. Ưu tiên những món ăn nhiều chất xơ, ít đường, béo, thức ăn chiên xào, thức ăn đóng hộp.
- Thường xuyên tập thể dục:
Không chỉ giúp kiểm soát cân nặng, tập thể dục khi mang thai còn giúp bầu tăng cường sức khỏe và giúp quá trình vượt cạn diễn ra dễ dàng hơn. Bầu có thể bắt đầu với những bài tập nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, yoga.
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn