Nhiễm trùng vùng kín, đi tiểu không kiểm soát, đau nhức "núi đôi"... là những triệu chứng mẹ không nên lơ là sau sinh.
Sau giờ phút hạnh phúc đón con yêu chào đời thì thật đáng buồn vì mẹ sẽ phải rất mệt mỏi, đau đớn để chiến đấu với thời gian hậu sản. Điều đáng nói là thời gian phục hồi này sẽ rất dữ dội bởi cơ thể đã vừa phải trải qua 9 tháng bầu bí thay đổi “chóng mặt” và đưa em bé ra với thế giới này.
Cho dù sinh thường hay sinh mổ, mẹ cũng sẽ cảm thấy run rẩy, đau đớn trong những ngày, tuần đầu tiên. Đó có thể là triệu chứng rụng tóc, đau lưng, ra mồ hôi nhiều hay khó khăn khi đi lại… May mắn, những triệu chứng này sẽ nhanh chóng qua đi và thường có xu hướng giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, có một số chị em kém may mắn khi phải chịu đựng những cơn đau đớn, những triệu chứng bất thường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sau sinh. Theo các chuyên gia khoa sản, chị em đừng quá lơ là khi gặp phải những dấu hiệu sau:
Núm ti đau nhức
Đây là trải nghiệm điển hình mà hầu hết các sản phụ sẽ phải đối mặt một vài ngày đầu khi bắt đầu cho con bú. Tuy nhiên, nếu triệu chứng ngày càng nặng nề và kéo dài thì đã không còn là bình thường nữa.
Nếu cảm giác đau đớn kèm nứt và chảy máu, chị em cần thăm khám bác sĩ vì rất có thể bạn đã bị tắc tia sữa hoặc bị chấn thương. Các bác sĩ sẽ cho thuốc hoặc hướng dẫn cách chăm sóc vết thương để nhanh lành nhất có thể.
Núm ti đau nhức là triệu chứng khá phổ biến khi mang thai.
Bệnh trĩ
Trong thời kỳ mang thai, nếu sản phụ mắc bệnh trĩ, sau khi sinh thường tình trạng sẽ xấu hơn. Vì lúc đẻ phải dùng sức rặn rất mạnh nên bệnh càng trầm trọng hơn.
Trĩ thường sưng to hơn sau khi đẻ 2 – 3 tuần, có khi rất đau, chính vì sợ đau nên bà mẹ có buồn đại tiện cũng cố nhịn, dẫn tới bị táo bón thường xuyên, điều đó lại làm cho trĩ lại càng nặng hơn, hình thành vòng lẩn quẩn.
Ngoài điều trị dùng thuốc và thuốc bơm hậu môn cho mềm phân thì sản phụ còn cần phải chú ý đến ăn uống, không để bị táo bón nặng hơn. Để tránh táo bón, bà mẹ nên ăn nhiều loại canh rau, trái cây và uống nhiều nước (ít nhất 2 lít nước/ngày). Muốn có nhiều sữa thì nên uống sữa hay uống nhiều nước trước mỗi lần cho bé bú.
Đau đớn vùng chậu
Đáy chậu là khu vực giữa âm đạo và trực tràng. Bộ phận này bị kéo căng trong khi chuyển dạ và thậm chí có thể rách. Vùng này thường bị đau sau khi sinh và mẹ có thể còn đau hơn nếu đã bị cắt tầng sinh môn. Hiện tượng này bình thường sẽ dần biến mất sau sinh 1-2 tuần nhưng nếu thấy vùng chậu có dấu hiệu đau nhức nặng kèm với tiết dịch có mùi hôi thì rất có thể mẹ đã bị nhiễm trùng và cần được đến bệnh viện để khám kịp thời.
Mẹ sau sinh nên cẩn trọng khi bị đau đớn vùng chậu và "vùng kín". (Ảnh minh họa)
Nứt cổ gà (nứt núm ti)
Nứt núm vú là điều mà không mẹ nào mong gặp phải bởi những đau đớn, ngứa ngáy khó chịu và sự sợ hãi mỗi lần cho con bú mà nó mang lại. Để ngăn ngừa tình trạng “nứt cổ gà” nói trên, các chuyên gia khuyên rằng chị em nên sử dụng nước ấm (không có xà phòng) để lau rửa núm vú, để vú khô tự nhiên sau khi cho bé bú, cho bé bú đúng cách bằng việc đảm bảo miệng bé ngậm trọn phần đầu ti và quầng vú, tìm tư thế thoải mái nhất cho bé bú, thoa kem trong trường hợp quá đau nhức.
Đi tiểu không kiểm soát
Có 2 vấn đề thường gặp liên quan đến chuyện đi vệ sinh của mẹ sau sinh đó là họ không thể kiểm soát được cơn buồn đi tiểu của mình và thứ hai là dù có những khi không muốn đi nhưng nước tiểu vẫn cứ chảy ra. Nói dễ hiểu đây là tình trạng đi tiểu mất kiếm soát mà rất nhiều mẹ gặp phải sau sinh.
Nguyên nhân được cho là sau ca sinh nở, vùng kín bị giãn nở quá rộng, cộng với bàng quang bị chèn ép do thai nhi ngày một lớn, quá trình sinh nở gây đau đớn… khiến mẹ không thể kiểm soát chặt chẽ được các hoạt động trong cơ thể mình.
Vấn đề rò rỉ nước tiểu không quá ngạc nhiên và nguy hiểm nhưng đôi khi lại khiến chị em bối rối. Các chuyên gia khuyên mẹ nên chăm chỉ tập Kegel hoặc thăm khám bác sĩ để được điều trị nếu tình trạng này ngày một nặng nề.
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn