Mang thai chưa bao giờ là một việc dễ dàng, nhất là khoảng thời gian mang thai 3 tháng đầu, bởi lúc này cơ thể bầu đang học cách làm quen với những thay đổi. Làm sao vượt qua được giai đoạn "gian nan" này?
Trong ba tháng đầu của thai kỳ, sự thay đổi của các loại hoóc-môn trong cơ thể sẽ diễn ra “quyết liệt” hơn, đánh dấu cho sự khác biệt lớn của cơ thể khi “gánh thêm” một mầm sống đang lớn lên từng ngày. Tuy nhiên, cũng chính sự thay đổi này sẽ khiến mẹ bầu “bị hành hạ” bởi những đau đớn và khó chịu.
1/ Khó chịu ở bụng
Mang thai 3 tháng đầu, mẹ phải học cách “làm quen” dần với việc buồn nôn và ói mửa vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, sáng cũng như đêm. Chính những cơn co thắt đường ruột lúc này sẽ làm cho hoạt động tiêu hóa thức ăn trong ruột chậm lại, khiến quá trình xử lý và tiêu hóa thức ăn bị “đình trệ” và hệ quả là bầu sẽ cảm thấy “nặng bụng”. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến chứng ợ nóng “bám riết không buông” và chứng táo bón “khó ưa”.
Để tránh những triệu chứng trên, bầu nên cố gắng uống nhiều nước, và ăn nhiều rau củ quả giàu chất xơ để khắc phục tình trạng táo bón. Tránh uống cà phê hoặc các loại thực phẩm cay, béo để giảm bớt chứng ợ nóng. Ngoài ra, việc chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, ăn đồ ít béo, dễ tiêu sẽ giúp mẹ bầu hạn chế được cảm giác buồn nôn và ói mửa.
2/ Bệnh trĩ và nguy cơ giãn tĩnh mạch
Tử cung càng lớn sẽ càng làm tăng áp lực lên tĩnh mạch chủ phía thân dưới, và khiến máu lưu thông từ tim đến các cơ chi dưới cũng sẽ khó khăn hơn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy tĩnh mạch trong suốt tam cá nguyệt thứ nhất. Thậm chí, hiện tượng này còn kéo dài suốt những giai đoạn thai kỳ sau đó.
Dấu hiệu “đặc trưng” của suy giãn tĩnh mạch thường là những đường tĩnh mạch màu xanh bị phình hoặc nổi lên dưới da, thường xuất hiện ở chân. Suy tĩnh mạch dạng này sẽ không gây đau nhưng một dạng khác gọi là trĩ, phát triển xung quanh trực tràng hay hậu môn thì lại gây đau, ngứa hoặc chảy máu trong khi đi tiêu. Theo các chuyên gia, tình trạng suy giãn tĩnh mạch sẽ được cải thiện sau sinh, đặc biệt là những trường hợp không bị bệnh này trước khi mang thai.
Riêng bệnh trĩ thì có thể tự khỏi trong khi mang thai hay ngay sau khi sinh bằng những phương pháp điều trị đơn giản như vệ sinh sạch sẽ, chườm/ngâm nước nóng lạnh xen kẽ, bôi thuốc mỡ lên vùng bị tổn thương hay nhét thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
3/ Chuột rút
Chuột rút ở cẳng chân hay bàn chân có thể xảy ra vào 3 tháng đầu hay giai đoạn sau của thai kỳ. Thông thường, những cơn chuột rút này sẽ ngày nặng hơn khi thai càng lớn và có xu hướng diễn ra vào ban đêm.
Thường xuyên nâng và duỗi bắp chân, ngâm chân trong nước hay tập thể dục sẽ giúp tăng cường tuần hoàn máu và hạn chế triệu chứng chuột rút khi mang thai.
4/ Và vô vàn những khó chịu khác
Sự thay đổi các loại hoóc-môn khi mang thai còn có thể gây ảnh huởng đến ngực và hệ thống màng nhầy trong cơ thể, nhất là vùng mũi, miệng và cổ họng. Chính vì vậy, bầu đừng quá ngạc nhiên khi thấy ngực bắt đầy căng tức và nhạy cảm hơn hay như việc “thỉnh thoảng” bị nghẹt mũi, chảy máu cam hay chảy máu răng nhé!
Tình trạng chóng mặt, đầu lâng lâng cũng thường xảy ra trong 3 tháng đầu vì lúc này máu phải tăng cường cung cấp cho tử cung nên sẽ bớt “nâng niu” cái đầu của các mẹ bầu như trước đây. Tuy nhiên, nếu đau đầu thường xuyên và ngày một nặng hơn kèm theo đau bụng hay ra máu âm đạo, bầu nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu của thai ngoài tử cung hay một vấn đề nghiêm trọng nào đó. Lưu ý cẩn thận bầu nhé!
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn