Để đảm bảo thai nhi được phát triển toàn diện trong 9 tháng 10 ngày khi nằm trong bụng mẹ, mẹ bầu cần có chế độ dinh dưỡng khoa học, cân đối.
Chế độ dinh dưỡng cân đối và khoa học là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé trong suốt thời kỳ mang thai. Trong quá trình 9 tháng 10 ngày, đối với những người lần đầu làm mẹ là một điều kỳ diệu nhưng cũng không kém phần bỡ ngỡ, khó khăn.
Các mẹ cần ghi nhớ luôn chủ động xây dựng thực đơn hàng ngày với chế độ dinh dưỡng phù hợp theo từng tháng thai kỳ để luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất cần thiết cho cả mẹ và bé. Sau đây là một số gợi ý cơ bản dành cho mẹ lần đầu mang thai:
Tháng thứ nhất
Trong tháng đầu tiên khi mang thai, mẹ bầu thường có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, khó chịu. Vì thế, trong lúc này chế độ dinh dưỡng cho bà bầu cần phải đảm bảo ăn đầy đủ 3 bữa.
Trong giai đoạn này bạn cần chú ý bổ sung chất dinh dưỡng, đặc biệt là tăng cường các loại thức ăn chứa sắt và protein như thịt lợn, thịt bò, cá,… Có thể bổ sung thêm bánh quy, đậu phộng, trái cây để tránh bị đói khi đi làm
Tháng thứ hai
Trong tháng này, cơ thể người mẹ đã có nhiều sự thay đổi như: dừng vòng kinh, núm vú và những vùng xung quanh có cảm giác hơi đau kèm theo bị đau đầu, chóng mặt, nôn nhiều. Nếu bạn bắt đầu nghén thì hãy tranh thủ nghỉ ngơi nhiều hơn đồng thời cũng không nên quá lo lắng vì giai đoạn này chưa cần quá nhiều dưỡng chất để nuôi thai nhị.
Bạn có thể bổ sung các dưỡng chất thông qua việc ăn nhiều hoa quả, nên ăn những loại thức ăn dễ tiêu hóa như nước hoa quả, cháo, bánh mỳ.…
Phụ nữ nên dành nhiều thơi gian nghỉ ngơi khi mang thai. (Ảnh minh họa: Internet)
Tháng thứ ba
Các bà bầu nên tăng cường bổ sung thêm các chất xơ và vitamin có nhiều trong rau xanh, trái cây tươi và khoai, củ. Bà bầu cần bổ sung khoảng 300g rau củ để phòng chống chứng táo bón trong thai kỳ.
Bên cạnh đó, các mẹ cũng cần sử dụng muối iốt thay cho muối thường nhằm cung cấp đầy đủ chất iốt trong quá trình tạo phôi và phát triển thai nhi, phòng tránh bệnh đần độn, suy giáp bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ. Đồng thời bổ sung ngay các thực phẩm giàu kẽm, chứa nhiều đạm và giàu sắt như hải sản (hàu, sò,…), thit, tôm, các loại đậu, gan, phô mai,…
Tháng thứ 4
Người mẹ khi mang bầu trong tháng này cần chia làm nhiều bữa, lưu ý không nhai lệch về một bên hàm, nhai thật kỹ rồi mới nuốt. Mẹ bầu không nên ăn những loại thức ăn chứa chất kích thích như bia, rượu, không hút thuốc lá.
Bạn nên ăn những loại thức ăn chứa nhiều vitamin như: Vitamin A (trứng, gan, tôm, cá, rau ngọt, rau dền, đu đủ, bí đỏ,..); vitamin B1 (ngũ cốc, bột mì, gạo,…); vitamin B6 (thịt gà, ngô, ruốc thịt,..); vitamin C (rau muống, bắp cải, cam, bưởi, xoài,…); viatmin D (lòng đỏ trứng, dầu gan cá, cá,…); vitamin E (quả đào, ngô, lúa mì, giá đậu,…);…
Tháng thứ 5
Thai ở giai đoạn này, não bắt đầu phát triển nhanh. Chính vì vậy, mẹ bầu không nên ăn quá nhiều thịt, sẽ khiến cơ thể có nhiều a-xít, làm cho não không được linh hoạt; đồng thời không nên ăn nhiều đường trắng vì không có lợi cho sự phát triển tế bào ở đại não. Các mẹ nên chọn ăn những loại thực phẩm thô như bột gạo, bột mỳ.
Tháng 6
Mẹ bầu cần đề phòng thiếu canxi và sắt. Đây là thời kỳ thai nhi sinh trưởng rất nhanh, trong chế độ ăn uống cần có nhiều lòng trắng trứng gà, bổ sung thêm chất khoáng và vitamin. Khi ở tháng thứ 6, lượng canxi của mẹ được thai nhi hấp thụ nhiều, rất dễ bị thiếu. Nếu mẹ không đủ lượng canxi sau này đứa trẻ dễ bị đau răng, viêm lợi hay loãng xương, dễ bị gù lưng bẩm sinh.
Chính vì vậy, bà bầu chú ý phải cung cấp lượng canxi đầy đủ. Trong tháng này, phụ nữ mang thai cũng rất dễ phát sinh bệnh thiếu máu, vì lượng sắt và máu cần cho em bé trong bụng sẽ tăng lên gấp đôi. Thiếu sắt đối với mẹ hay thai nhi đều nguy hiểm, làm cho thai nhi sinh trưởng chậm.
Do vậy, mẹ bầu cần bổ sung những thực phẩm giàu sắt, canxi và vitamin như khoai tây, cải trắng, các loại đậu, thịt nạc, gan, thịt gia cầm... Phụ nữ mang bầu cũng nên tránh ăn nhiều chất muối, dầu béo có thể bị phù chân, cao huyết áp, các bệnh về tim mạch
Tháng thứ 7
Tăng cường ăn đồ ăn nóng, đa dạng, nhiều gạo, ngũ cốc, các loại đậu với liều lượng vừa đủ, tránh để thai nhi quá to. Tiếp tục bổ sung chất sắt và các chất canxi, kẽm, phốt pho và iốt có trong đậu phu, trứng gà, rau cải, các loại cá, rong biển. Đảm bảo cung cấp đủ lượng mỡ có trong dầu thực vật và một ít dầu động vật.
Trong tháng này, phụ nữ mang thai nên ăn từ 4 – 5 lần trong ngày, mỗi lần ăn không nên ăn quá no, tạo điều kiện cho việc hấp thụ dinh dưỡng trong cơ thể dễ dàng hơn.
Tháng thứ 8
Chọn những món ăn có giá trị cao như thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, hạn chế ăn đậu nành, khoai hồng đề phòng dạ dày bị chướng. Mẹ bầu cũng không nên lạm dụng chất bổ như nhân sâm, vitamin, gan cá. Đồng thời nên ăn nhiều rau xanh, hạn chế đồ ngọt, mỡ đề phòng thai quá to, khó khăn cho sinh nở.
Tháng thứ 9
Thai phụ vẫn áp dụng nguyên tắc ăn nhiều bữa trong ngày nên 5 bữa trở lên, mỗi lần ăn không nên quá no. Chú ý nên ăn các thức ăn thanh đạm: dùng dầu thực vật chế biến thức ăn, ăn nhiều các món phụ như hoa quả, rau hay các chế phẩm sữa và cũng không quên bổ sung đầy đủ các vitamin thiết yếu tốt cho mẹ và em bé trong bụng, chuẩn bị tốt cho người mẹ mang thai ở thời điểm cuối này.
Theo Phunukieuviet
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn