Mẹ bầu nhẹ cân hoặc quá gầy yếu sẽ ảnh hưởng không tốt đến em bé. Trong bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ xác định được tình trạng cân nặng của mình và cách tăng cân hợp lý trong thai kỳ.
Như mẹ cũng biết, ngay từ khi hình thành thai nhi đã rất cần những dưỡng chất từ mẹ để phát triển các bộ phận trên cơ thể như não bộ, hệ thần kinh, mắt, hệ xương... Và bắt đầu từ tuần 26 của thai kỳ, thai nhi sẽ phát triển rất nhanh chóng, mỗi ngày bé tăng khoảng 30gr. Do đó bé cần nguồn năng lượng và dinh dưỡng rất lớn từ mẹ để dần hoàn thiện mình.
Cân nặng của mẹ bầu ảnh hưởng lớn đến thai nhi. Nếu mẹ bầu gầy gò sinh con ốm yếu, dễ bệnh tật.
Nếu mẹ bầu gầy gò, ốm yếu không đủ dinh dưỡng cung cấp cho bào thai phát triển, trẻ sinh ra sẽ bị nhẹ cân và mắc nhiều vấn đề về sức khỏe. Do vậy, mẹ bầu cần cố gắng cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bản thân, điều này không chỉ đảm bảo sức khỏe thai kỳ của mẹ mà con sinh ra cũng được khỏe mạnh.
Cân nặng hợp lý của mẹ bầu
Cân nặng của mẹ bầu trong thai kỳ gồm các yếu tố:
- Trẻ: nặng từ 3.200g-3.600g
- Nhau thai: nặng từ 500g-900g
- Dịch ối: nặng khoảng 900g
- Sự phì đại tuyến vú: nặng khoảng 500g
- Tử cung: nặng khoảng 900g
- Thể tích máu được gia tăng: nặng khoảng 1.400g
- Mỡ cơ thể: nặng khoảng 2.300g
- Mô và dịch cơ thể tăng: nặng khoảng 1.800g-3.200g
Theo đó, trong thai kỳ mẹ bầu nên tăng lên từ 11 đến 16kg là tốt nhất. Với những mẹ quá gầy gò thì mức cân nặng nên tăng từ 13kg đến khoảng 18,5 kg. Và ngược lại, với những mẹ bầu dư cân trước khi mang thai, chỉ cần tăng từ 7 đến 12kg. Với mẹ mang song thai nên tăng từ 16 đến 21kg.
Trong đó, mức tăng trong các tháng nên là 1kg/tháng trong tam cá nguyệt thứ nhất, 2kg cho các tháng còn lại của thai kỳ.
Vì vậy, nếu mẹ bầu không đạt được các cột mốc cân nặng này được xếp vào diện gầy, nhẹ cân và phải thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý để có cân nặng đúng chuẩn, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ phát triển toàn diện từ trong bụng mẹ.
Cách bổ sung dinh dưỡng cho mẹ bầu nhẹ cân trong các giai đoạn thai kỳ
Thời điểm thích hợp nhất mẹ bầu gầy lên kế hoạch ăn uống hợp lý để tăng cân là khoảng tuần thứ 13 của thai kỳ. Bởi lúc này mẹ đã vượt qua giai đoạn ốm nghén, hàm lượng estrogen cũng bắt đầu tăng nhiều khiến mẹ có cảm giác thèm ăn. Do đó, việc lên chế độ dinh dưỡng đầy đủ lúc này rất quan trọng để không chỉ chống gầy cho mẹ mà còn đáp ứng nhu cầu đòi hỏi mới của bào thai.
Chăm lo bữa ăn hợp lý để mẹ bầu gầy tăng cân là chuyện cả nhà nên quan tâm.
Trong thai kỳ, các mẹ có thể sẽ thèm ăn một số vị đặc trưng như chua hay ngọt... Tuy nhiên, mẹ không nên chỉ ăn theo sở thích của mình mà nên cân bằng với các thực phẩm giàu dinh dưỡng khác cần thiết cho thai kỳ.
Vào 6 tháng cuối, lượng calo mỗi ngày tăng lên khoảng 350 calo. Các thành phần khác cũng nên tăng lên: 15g protein, 1.000mg canxi, 30mg sắt, vitamin nhóm B và C... Khi thai nhi bước sang tuần 36, mỗi ngày mẹ nên cung cấp cho cơ thể khoảng 300 calo.
Gợi ý những cách ăn giúp mẹ bầu gầy tăng cân
- Mẹ bầu nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp nhiều thành phần dinh dưỡng cho trẻ đồng thời giúp mẹ tránh được các triệu chứng ngán ăn.
- Ăn các bữa nhỏ giúp mẹ ăn nhiều hơn và cơ thể hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
- Đồ ngọt và các chất béo từ mỡ động vật có thể khiến mẹ bầu gầy nhanh chóng tăng cân nhưng không tốt cho thai nhi và dễ mắc bệnh do đó cần tránh xa.
- Rau, trái cây là thực phẩm nên ăn nhiều để tránh táo bón và trĩ.
- Uống nhiều nước và chăm vận động để tăng cường trao đổi chất trong cơ thể.
- Uống thêm sữa để bổ sung dưỡng chất.
- Thường xuyên khám thai, kiểm tra cân nặng của cả mẹ và con để điều chỉnh cân nặng nếu chưa phù hợp.
Theo Phununew
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn