Xét nghiệm nước tiểu trong thai kỳ sẽ giúp các bác sĩ phát hiện sớm nhiễm trùng đường tiết niệu để kịp thời điều trị và phòng tránh được một số bệnh nguy hiểm khác.
Cùng tìm hiểu tầm quan trọng và các bước tiến hành xét nghiệm nước tiểu dưới đây nhé.
Tầm quan trọng của xét nghiệm nước tiểu trong thai kỳ
Trong những lần khám thai định kỳ các bác sĩ sẽ yêu cầu thai phụ lấy nước tiểu để làm xét nghiệm nhằm mục đích:
Trong các lần khám thai các bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm nước tiểu
Xác định lượng đường: Khi mang thai trong nước tiểu của thai phụ xuất hiện một lượng đường nhỏ là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên nếu những lần xét nghiệm sau đó, lượng đường tăng cao thì có thể bạn đang gặp chứng tiểu đường thai kỳ. Lúc này các bác sĩ sẽ tiến hành làm xét nghiệm glucose. Xét nghiệm glucose được tiến hành ở tuần 24-28 của thai kỳ nhằm đưa ra chẩn đoán chính xác liệu thai phụ có bị tiểu đường hay không.
Xác định lượng đạm: Việc xác định được lượng đạm trong nước tiểu sẽ giúp các bác sĩ phát hiện và chẩn đoán chính xác một số triệu chứng bệnh nguy hiểm trong thai kỳ. Theo đó nếu lượng đạm trong nước tiểu cao có thể thai phụ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, thận bị tổn thương hoặc bị các rối loạn khác.
Ở những tháng cuối của thai kỳ, nếu lượng đạm trong nước tiểu cao thai phụ dễ bị tiền sản giật và cao huyết áp. Ngược lại, nếu lượng đạm không đáng kể, huyết áp bình thường các bác sĩ vẫn gửi mẫu nước tiểu cho phòng thí nghiệm để cấy vi khuẩn và xác định xem thai phụ có bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay không.
Thông qua xét nghiệm nước tiểu có thể phát hiện sớm nhiễm trùng đường tiết niệu
Xác định ketone: Trong quá trình cơ thể phân giải chất béo và tiêu hóa thức ăn để tạo thành năng lượng, nếu thiếu hụt carbonhydrat sẽ sản sinh ra ketone. Nếu trong nước tiểu có chỉ số ketone cao, thai phụ không thể ăn bất kỳ loại thực phẩm nào. Lúc này các bác sĩ sẽ truyền dịch và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Nếu trong nước tiểu có cả đường và ketone thì đây là dấu hiệu của tiểu đường trong thai kỳ.
Phát hiện sớm tế bào máu, vi khuẩn: Trong quá trình kiểm tra bằng que thử nếu phát hiện có enzyme (do bạch cầu tạo ra) hoặc nitrite (do vi khuẩn tạo ra) thì đây là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu. Mẫu nước tiểu này sẽ được gửi lên phòng thí nghiệm để nuôi cấy vi khuẩn và thử độ nhạy cảm để xác định thai phụ có thật sự bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay không.
Các bước tiến hành xét nghiệm nước tiểu
Bước 1: Bạn rửa tay thật sạch bằng xà phòng diệt khuẩn, rồi vệ sinh vùng kín sạch sẽ bằng khăn lau khô tiệt trùng.
Bước 2: Tiểu vào bồn cầu vài giây sau đó bạn đặt cốc vào giữa dòng chảy để lấy đủ mẫu theo yêu cầu. Lưu ý không dùng tay để chạm vào nước tiểu trong cốc lấy mẫu làm xét nghiệm.
Bước 3: Các bác sĩ sẽ nhúng trực tiếp que thử vào mẫu nước tiểu thông qua màu sắc trên que để đối chiếu với bảng màu chuẩn từ đó đưa ra kết quả cuối cùng.
Các bác sĩ sẽ dùng que thử nhúng vào nước tiểu để lấy kết quả
Xét nghiệm nước tiểu không gây phiền toái và đau đớn cho bà bầu. Bạn không mất quá nhiều thời gian để chờ đợi. Chỉ vài phút đã có ngay kết quả.
Dụng cụ làm xét nghiệm nước tiểu là một loại que thử chuyên dụng được thiết kế để xác định lượng đường, đạm, ketone, bạch cầu, máu, thể ceton, nitrite, vàng da hay tiểu đường…Theo đó, trên đầu que thử có gắn một mẫu giấy thử và giấy này sẽ đổi màu khi có chất nào đó lẫn trong nước tiểu. Các bác sĩ sẽ nhúng trực tiếp que thử vào nước tiểu, sau đó so sánh màu với bảng màu tiêu chuẩn là cho ra kết quả. Việc thử nước tiểu bằng que khá đơn giản nên thai phụ có thể tự làm tại nhà.
Việc xét nghiệm nước tiểu vô cùng quan trọng với bà bầu dù trong những lần xét nghiệm trước đó bạn không gặp các triệu chứng nguy hiểm nào. Nhưng cũng không vì thế mà bỏ qua việc xét nghiệm nước tiểu ở những lần khám thai tiếp theo. Vì đây là cách tốt nhất để phát hiện sớm nhiễm trùng đường tiết niệu, tiền sản giật, chứng cao huyết áp và tiểu đường trong thai kỳ. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bào thai.
Theo Yeutre
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn