Trong ngày đầu sau sinh, mẹ có một lượng nhỏ sữa non hơi đặc, màu ngà. Sản phụ cần cho con bú hết và không lãng phí.






Những nhắc nhở dưới đây có vai trò không nhỏ đối với sức khỏe của mẹ bầu sau sinh.


1. Quan sát lượng máu ở âm đạo
Lượng máu ở âm đạo trong ngày đầu tiên sau khi sinh là việc mẹ bầu cần chú ý nhiều nhất. Bởi theo thống kê gần đây, nguyên nhân hàng đầu gây nguy hiểm cho sản phụ là hiện tượng băng huyết. Theo các bác sĩ, lượng máu đạt đến 500ml được coi là hiện tượng xuất huyết sau sinh. Nguyên nhân gây xuất huyết rất đa dạng, cần phải được bác sĩ thăm khám mới kết luận chính xác được.
Thông thường, trong vòng 2 giờ sau khi sinh, sản phụ vẫn nằm ở phòng chuyên môn để các bác sĩ theo dõi xem có bị xuất huyết, băng huyết không, sau đó mới đưa mẹ và bé về phòng nghỉ. Tuy vậy, trong vòng 24 giờ sau đó, bạn vẫn phải quan sát và theo dõi lượng máu ở âm đạo để kịp thời phát hiện và báo bác sĩ xử lý nếu chẳng may xảy ra hiện tượng băng huyết.
2. Không lãng phí sữa non
Trong ngày đầu tiên sau khi sinh bé, mẹ sẽ có một lượng nhỏ sữa non hơi đặc, có màu ngà. Sữa non chứa một lượng lớn các kháng thể rất cần thiết để bảo vệ em bé khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn mà không loại sữa nào thay thế được. Vì vậy, sản phụ cần cho con bú hết và không nên lãng phí giọt sữa non nào.
3. Càng cho con bú càng có nhiều sữa
Việc ti mẹ của bé sẽ tạo ra tín hiệu kích thích não 'chỉ huy' cơ thể tiếp tục tiết sữa. Vì vậy, sau khi sinh, bạn nên cho bé bú ngay để tạo phản xạ tiết sữa của cơ thể. Ngoài ra cần bồi bổ thêm các loại thực phẩm giúp lợi sữa.
4. Đảm bảo đủ thời gian nghỉ ngơi
Vượt cạn thành công lấy đi rất nhiều sức lực của người phụ nữ nên sau khi sinh, đặc biệt là trong 24 giờ đầu tiên, bạn cần phải nghỉ ngơi để phục hồi thể chất. Bạn hãy yên tâm ngủ hay nằm nghỉ và để các công việc như thay tã, dỗ bé, ru bé ngủ cho bố của bé và những người khác làm.


5. Nhanh chóng tiểu tiện
Theo các bác sĩ, sản phụ nên uống nhiều nước sau khi sinh để nhanh chóng tiểu tiện. Lý do là vì trong quá trình vượt cạn, đầu thai nhi đã chèn ép bàng quang, niệu đạo, đi tiểu tiện sẽ giúp phục hồi chức năng của các bộ phận này.
6. Ăn nhiều rau để tránh táo bón
Rau có nhiều chất xơ và rất có lợi cho việc trị chứng táo bón sau sinh. Bạn không nên quá kiêng khem và hạn chế ăn rau, vừa gây thiếu chất vừa khiến phân bị vón cục và 'tắc' ở trong ruột.
7. Vệ sinh sạch sẽ
Sau khi sinh, bạn thường ra nhiều mồ hôi, lúc ngủ và khi thức dậy còn ra nhiều hơn. Vì vậy, cần thường xuyên giặt và thay mới chăn, ga trải giường, vỏ gối. Việc thay quần áo cũng cần được duy trì hàng ngày, đặc biệt là với đồ lót. Sau khi đại tiểu tiện, bạn cũng nên chú ý vệ sinh sạch sẽ để bảo vệ tầng sinh môn.
Ngoài ra, nên mở cửa sổ ít nhất một lần trong ngày để không khí trong phòng được trao đổi, thông thoáng, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng về đường hô hấp.
Theo Mevabe

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn