Thai ngoài tử cung không thể duy trì vì thai nhi cần môi trường đặc biệt để có thể phát triển. Nếu không được xử trí và điều trị kịp thời, thai ngoài tử cung có thể gây tử vong cho mẹ.





1. Quan tâm và theo dõi sức khoẻ sinh sản của mình, cả khi bạn không có ý định mang thai.
Thai ngoài tử cung có nguy cơ cao hơn ở những phụ nữ có tổn thương hay sẹo ở tử cung và ống dẫn trứng, thường là kết quả của viêm tiểu khung và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu hay chlamydia. Hãy quan hệ tình dục an toàn, chung thuỷ và kiểm tra bệnh xã hội định kỳ để phát hiện các vấn đề ở đường sinh dục và sinh sản.
2. Xem xét hồ sơ sức khoẻ và y tế của bạn



Nếu bạn từng bị viêm tiểu khung, lạc nội mạc tử cung và có phẫu thuật vùng bụng (kể cả sinh mổ), bạn có nguy cơ cao mang thai ngoài tử cung. Nếu bạn có hút thuốc hoặc cố gắng thụ thai khi đã lớn tuổi, bạn cũng có rủi ro mang thai ngoài tử cung cao hơn.
Khi phát hiện hay nghi ngờ có thai ngoài tử cung, người phụ nữ nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán rõ ràng và điều trị kịp thời. Phát hiện sớm khi thai ngoài tử cung chưa vỡ sẽ giúp giảm được tình trạng mất máu do thai vỡ, giảm nguy cơ bị choáng và tử vong do thai ngoài tử cung, gia tăng khả năng giữ lại được vòi trứng – duy trì khả năng có thai lại bình thường.
3. Nhận biết các triệu chứng của thai ngoài tử cung nếu bạn có thai
Ban đầu thai ngoài tử cung cũng có những dấu hiệu thông thường như mọi trường hợp mang thai khác. Nếu bạn đột ngột thấy đau bụng dưới hoặc vùng chậu, tăng nhịp tim, chóng mặt và ngất xỉu, hãy đi cấp cứu ngay. Bạn càng đến bệnh viện sớm chừng nào, bác sỹ càng có cơ hội xử trí tình hình sớm chừng đó trước khi vấn đề chuyển thành nghiêm trọng hơn.
4. Lưu ý với bác sỹ nếu trước đây bạn từng có thai ngoài tử cung và muốn mang thai lại
Một khi đã từng có thai ngoài tử cung, bạn có rủi ro cao hơn bị tái lại. Bác sỹ sẽ phải theo dõi cẩn thận hơn với kỹ thuật siêu âm trong suốt quá trình cố gắng mang thai của bạn.
5. Khám và kiểm tra thường xuyên

Đi khám phụ khoa và khám sản thường xuyên, và cố gắng không bỏ qua các lần hẹn kiểm tra sức khoẻ phụ khoa định kỳ, làm đầy đủ xét nghiệm phụ khoa cần thiết. Bạn cũng nên chủ động tìm hiểu kiến thức về hệ sinh sản và sinh dục của mình để dễ nhận biết khi có các vấn đề bất thường, cụ thể là thai ngoài tử cung.
Phụ nữ mang thai khi đi khám bệnh dù bất kì bệnh lý gì cũng nên thông báo cho bác sĩ và nhân viên Y tế về tình trạng có thai của mình, tránh việc chẩn đoán lầm và dùng thuốc không thích hợp.
6. Giữ gìn vệ sinh tránh viêm nhiễm
Khi có viêm nhiễm sinh dục nên đi khám bệnh để được điều trị đầy đủ. Khám phụ khoa định kỳ và khám phụ khoa ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm sinh dục để được điều trị thích hợp, tránh di chứng viêm dính gây tắc vòi trứng, nguy hại cho khả năng sinh sản về sau.
Theo Danviet

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn