Trong tổng số các ca mang thai, sẩy thai chiếm chừng 20% đến 30%, đặc biệt trong những tháng đầu mang thai. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến khiến mẹ bầu bị sẩy thai.
1. Nhiễm sắc thể bất thường
Số nhiễm sắc thể bình thường ở thai nhi là 46 với 23 từ cha và 23 từ mẹ. Thế nhưng nếu số nhiễm sắc thể không đầy đủ hay không khớp nhau thì hợp tử khó có thể phát triển được thành thai nhi và thai kỳ phải kết thúc sớm, nghĩa là sẩy thai.
Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại, bố mẹ cần đi xét nghiệm nhiễm sắc thể xem thử nguyên nhân có phải do chúng gây ra hay không. Nếu không phải, bác sĩ sẽ giúp bố mẹ tìm ra nguyên nhân gây sẩy thai để khắc phục.
2. Vấn đề tử cung hoặc cổ tử cung
Các dị tật ở tử cung như tử cung có vách ngăn, tử cung bị dính… đều có thể gây nên sẩy thai. Vì lúc này thai nhi không thể làm tổ trên thành tử cung hoặc không nhận được đủ dinh dưỡng để phát triển.
Cổ tử cung nếu bị yếu hay ngắn bất thường (suy cổ tử cung) thì có nguy cơ không giữ được thai nhi khi thai phát triển qua tháng thứ tư, gây sẩy thai.
Với những vấn đề này mẹ cần có sự can thiệp của y khoa để giữ thai nhi. Thường bác sĩ sẽ phẫu thuật nếu vấn đề bất thường ở tử cung và tiến hành các biện pháp gia cố ở cổ tử cung để giữ thai lại.
3. Vấn đề về nhau thai
Nhau thai bất thường cũng là nguyên nhân gây sẩy thai
Nhau thai bất thường sẽ khiến cho thai nhi không thể nhận được nguồn dinh dưỡng. Nó cũng khiến cho liên kết giữa mẹ và bé bị đứt đoạn. Do đó, nếu vấn đề phát sinh trên nhau thai thì mẹ có nguy cơ bị sẩy thai.
Việc khám thai thường xuyên có thể giúp bác sĩ sớm phát hiện những bất thường ở nhau thai và có biện pháp can thiệp kịp thời.
4. Mẹ có tiền sử sẩy thai
Đây không hẳn là một nguyên nhân nhưng đây là một dấu hiệu. Nếu mẹ bầu trước đó đã từng sẩy thai liên tiếp thì khả năng mẹ bầu bị sẩy thai những lần sau cũng rất cao.
Lúc này điều mẹ cần làm là tranh thủ nghỉ ngơi và hết sức cẩn thận trong thai kỳ để tránh những tác động bên ngoài gây ra sẩy thai. Mẹ cũng nên đi khám để bác sĩ theo dõi tình hình sức khỏe liên tục, phòng tránh bất trắc. Mẹ cũng cần chăm sóc cho mình đầy đủ dinh dưỡng và giữ tinh thần lạc quan.
5. Tuổi tác
Tuổi tác càng cao thì nguy cơ bị sẩy thai cũng cao hơn. Tỉ lệ sẩy thai tăng lên 15% nếu mẹ bầu trên 35 tuổi. Với mẹ bầu 35 đến 45 tuổi thì tỉ lệ còn cao hơn, trung bình khoảng 30%. Nếu mẹ có thai từ 35 tuổi trở lên thì nên cẩn thận theo dõi và chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ.
Độ tuổi có thai tốt nhất cho mẹ là 22 đến 29 tuổi. Đây là thời điểm cả tâm lý lẫn sinh lý của mẹ đều chín muồi cho vai trò làm mẹ.
6. Do các bệnh lây nhiễm
Một số căn bệnh lây nhiễm như listeria, quai bị, rubella, sởi, lậu… cũng khiến mẹ dễ dàng bị sẩy thai.
Đó là lý do mẹ cần phải tiêm các loại vắc xin cần thiết cả trước và trong thai kỳ. Mẹ cũng cần cẩn thận để không nhiễm bệnh trong suốt thai kỳ như quan hệ tình dục an toàn, tránh xa các điểm dịch…
7. Thói quen uống rượu, hút thuốc
Các hoạt chất có trong thuốc lá và rượu không chỉ gây hại cho sức khỏe của mẹ mà còn gây hại cho thai nhi. Vì vậy, mẹ cần tránh xa thuốc lá và rượu. Với thuốc lá mẹ cần phải tránh luôn môi trường có khói thuốc để khỏi phải hút thuốc bị động.
8. Bệnh mãn tính hoặc rối loạn
Một số căn bệnh mãn tính và các rối loạn như: rối loạn đông máu di truyền, bệnh tiểu đường, rối loạn miễn dịch, rối loạn nội tiết tố… khiến mẹ bầu dễ sẩy thai. Các bệnh thường được nghe nhắc đến nhiều và quen thuộc hơn do các rối loạn này gây ra như lupus ban đỏ hay hội chứng buồng trứng đa nang…
Điều mẹ có thể làm lúc này là tích cực phòng tránh bệnh. Tập thể dục, ít ăn chất đường để tránh tiểu đường. Hãy khám thai thường xuyên để kiểm soát các nguy cơ còn lại.
9. Chế độ dinh dưỡng
Mẹ quá ốm có thể dẫn đến sẩy thai. Mẹ có khẩu phần ăn thiếu một số chất quan trọng như axit folic cũng có thể gây sẩy thai. Mẹ ăn một số thực phẩm cấm kỵ như: đủ đủ xanh, lá ngải cứu, thực phẩm tươi sống… cũng có thể gây sẩy thai.
Như vậy chế độ dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng trong thai kỳ. Mẹ bầu cần có chế độ ăn uống và khoa học, bổ sung đầy đủ dưỡng chất khi mang thai. Hơn nữa, mẹ tốt nhất nên có kế hoạch bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể trước khi mang thai khoảng 3 tháng để tạo điều kiện cho thai nhi phát triển tốt nhất.
10. Tự ý dùng thuốc
Dùng thuốc tùy ý trong thai kỳ là một điều được cấm nghiêm ngặt do thành phần của thuốc có nhiều tác động nguy hại đến mẹ và bé. Không chỉ là với thuốc chữa bệnh mà các loại thuốc bổ và vitamin cũng được liệt vào danh sách cẩn trọng.
Việc mẹ có thể làm là hãy nói cho bác sĩ của mẹ về bất cứ loại thuốc nào mà mẹ định uống.
11. Bị những sang chấn
Những sang chấn xảy ra khi mẹ vận động mạnh gây nên những tác động lên vùng chậu và bụng khiến mẹ sinh non. Lúc này mẹ nên vận động nhẹ nhàng, tránh mang vác nặng, leo cầu thang, đi xa… Nếu mẹ tập thể dục thì nên chọn những bài tập đơn giản và nhẹ nhàng.
Khi có những dấu hiệu như chảy máu âm đạo, áp lực vùng chậu… thì mẹ nên nhanh chóng đến bác sĩ để kiểm tra.
12. Xoa bụng khi mang thai
Xoa bụng khi mang thai nhằm "giao lưu" với trẻ hoặc để xoa kem chống rạn bảo vệ da, cũng có thể khiến mẹ bị động thai khi tác động lên thành bụng. Điều này không có nghĩa là mẹ không nên xoa bụng, mà mẹ chỉ nên xoa bụng nhẹ nhàng không quá mạnh và không nên xoa nhiều lần hay quá lâu trong ngày.
Ngoài ra, nếu mẹ đã từng sẩy thai thì xoa hay vỗ bụng đều không nên.
13. Quan hệ tình dục
Một nguyên nhân nữa cũng có thể gây sẩy thai là qua hệ tình dục. Thế nhưng điều này chỉ đúng khi mẹ có tiền sử sẩy thai hay sức khỏe thai kỳ không ổn định. Nhất là ba tháng đầu mẹ nên kiêng quan hệ là tốt nhất.
Còn nếu sức khỏe thai kỳ bình thường mẹ vẫn có thể duy trì quan hệ tình dục trong thai kỳ, tuy nhiên nên nhẹ nhàng và có tư thế phù hợp.
Theo Yeutre
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn