Huyết áp là một trong những vấn đề quan trọng cần được quan tâm, theo dõi suốt thai kỳ. Bởi huyết áp cao mang nguy cơ tiền sản giật, còn huyết áp thấp lại khiến mẹ bầu dễ té ngã... Do đó, việc huyết áp ổn định trong thai kỳ vô cùng quan trọng.
Trong mỗi đợt khám thai mẹ sẽ được đo huyết áp trước tiên, thông qua đó có thể giúp bác sĩ chẩn đoán được sức khỏe của mẹ và bé. Việc đo huyết áp thường xuyên trong suốt thai kỳ sẽ giúp cho bác sĩ có được thông tin xuyên suốt về tình hình sức khỏe mẹ bầu để có thể xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra.
Huyết áp như thế nào là bình thường?
Đo huyết áp được tiến hành thông qua máy đo huyết áp. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ tiến hành đo nhịp tim cho mẹ bầu. Chỉ số này bình thường khi nằm ở trong khoảng 110/70 – 120/80. Nếu chỉ số này đạt đến số 140/90 hoặc hơn thì huyết áp thuộc dạng cao và mẹ có nguy cơ mắc các bệnh tiền sản giật.
Huyết áp cao
Huyết áp cao được xác định khi chỉ số đo huyết áp cao hơn 140/90. Khi bị huyết áp cao sức khỏe của mẹ bầu vẫn bình thường, ở một số mẹ có thể cảm thấy tầm nhìn mờ đi hay bị đau đầu…
Mẹ bầu nên đo huyết áp thường xuyên trong thai kỳ để kiểm soát tình hình.
Cách phòng tránh: Lúc này mẹ bầu nên tranh thủ nghỉ ngơi nhiều. Tư thế ngủ tốt nhất cho mẹ bầu là nằm nghiêng về phía bên trái.
Mẹ cũng nên duy trì đều đặn chế độ vận động, luyện tập hàng ngày.
Trong bữa ăn nên tránh dùng muối và các món mặn.
Mẹ không nên sử dụng rượu bia hay các chất kích thích, dù chỉ một chút.
Mẹ nên đi đo huyết áp và nhịp tim thường xuyên hơn để kiểm soát bệnh tình. Nếu trước khi có thai mẹ bầu đã mắc chứng cao huyết áp thì nên nói điều đó cho bác sĩ để được kê thuốc đúng.
Nếu huyết áp liên tục tăng dù đã thay đổi sinh hoạt thì mẹ bầu nên nhập viện để được điều trị.
Cuối cùng nếu huyết áp cao biến chứng thành tiền sản giật thì lúc này việc điều trị bệnh nên nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của y bác sĩ.
Những đồ uống có lợi cho bà bầu cao huyết áp
Sinh tố táo, dưa chuột: Một số đồ uống mà thành phần giàu sắt, phot pho, kali như sinh tố táo hay dưa chuột rất tốt cho mẹ bầu có huyết áp cao. Mẹ có thể uống 1 hay hai cốc nước loại này mỗi ngày, chúng có tác dụng kìm hãm sự căng thẳng của hệ thần kinh trung ương và làm cho huyết áp dịu lại.
Các loại nước nhiều vitamin C: Những loại nước chứa nhiều vitamin C như cam, chanh cũng giúp mẹ bầu hạ đường huyết.
Nước ép củ cải: Loại nước này tuy khó uống do mùi của nó nhưng thành phần giàu các loại vitamin như B1, B2, C, phốt pho, mangan… đặc biệt là magie có tác dụng củng cố hệ thần kinh nên đây là thức uống vàng cho mẹ bầu.
Tuy nhiên, với các loại thức uống trên mẹ bầu cần uống tươi ngay sau khi ép để đảm bảo an toàn và nếu khó uống có thể pha nó với nước sôi để nguội.
Huyết áp thấp
Huyết áp thấp không mang lại những nguy hiểm về sức khỏe như huyết áp cao. Tuy nhiên hiện tượng hoa mắt, chóng mặt do huyết áp thấp mang lại có thể khiến mẹ bầu té ngã và bị thương.
Huyết áp thấp cũng khiến cho cơ thể khi bị mất nước, có thể nghẽn lại dòng vận chuyển máu vào bào thai, gây tổn hại đến thai nhi.
Có nhiều nguyên nhân gây ra huyết áp thấp cho mẹ bầu. Đó có thể là: Thời tiết nóng nực có thể làm cho cơ thể mất nước và tăng lên nguy cơ hạ đường huyết; Đứng lâu cũng có thể khiến mẹ bầu bị tụt huyết áp; Việc đứng hay nằm đột ngột cũng khiến cho mẹ bầu bị chóng mặt do máu thường có xu hướng dồn xuống chân trong thai kỳ.
Huyết áp thấp trong thai kỳ có thể không cần điều trị bằng thuốc mà chỉ cần "điều hòa" cơ thể để lấy lại mức huyết áp tự nhiên. Tuy nhiên, mẹ bầu nên đi khám và nhận sự hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ.
Cách phòng tránh
Khi bị huyết áp thấp mẹ bầu nên cẩn thận với những hoạt động hàng ngày của mình. Mẹ nên chú ý những điều như:
- Mẹ có thể nằm nghiêng để tránh cho thần kinh hông và vùng lưng dưới không bị đau.
- Khi đứng lên và ngồi xuống mẹ bầu nên từ từ. Nếu thấy chóng mặt mẹ nên ngồi nghỉ ngay để lấy lại cân bằng.
- Mẹ nên uống đủ 2,5 lít nước lọc mỗi ngày.
- Mẹ nên tập thể dục hàng ngày để duy trì mức huyết áp ổn định.
- Thức ăn vặt nên được mẹ luôn mang theo bên mình để tránh cơ thể vì quá đói mà hạ đường huyết.
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn