Mang thai là một dấu mốc quan trọng trong đời người phụ nữ. Sẽ có rất nhiều bỡ ngỡ và lo lắng bởi những chuyển biến khác thường của cơ thể. Sau đây là những giải pháp giúp thai phụ loại bỏ sự hoang mang ấy.






1… Tôi không cảm thấy giống đang có thai lắm.

Bạn có thai, nhưng sao không buồn nôn hay mệt mỏi gì cả? Đừng hoang mang, không ai giống ai cả. Trong khi hầu hết phụ nữ phải trải qua cảm giác ốm nghén và đau ngực ở những tháng đầu của thai kỳ, nhiều người khác hoàn toàn không có bất kỳ dấu hiệu gì, nhưng quan trọng bạn và bé khỏe mạnh là được. Nếu bạn đang phải trải qua các sự khó chịu kể trên, thì những dấu hiệu phiền toái kia thường sẽ biến mất vào thời điểm cuối thai kỳ.

2… Tôi không ăn được vì luôn cảm thấy mệt mỏi.

Ăn cho hai người là quá nhiều phải không? May mắn là cơ thể bạn đã dự trữ sẵn dinh dưỡng để bé sử dụng trong vài tháng đầu thai kỳ. Nhu cầu năng lượng và một số chất dinh dưỡngcủa bé thời gian này thường không nhiều bằng những tháng cuối của thai kỳ, do đó nếu bạn không tăng cân sẽ không gây ảnh hưởng gì.

Bạn có thể bù lại việc này bằng cách ăn đầy đủ ở tam cá nguyệt cuối. Tuy nhiên hàm lượng đường trong máu thấp có thể làm tăng cảm giác nôn nao vì vậy việc ăn uống, ngay cả khi bạn không muốn có thể rất có ích. Hãy ăn iít một và thường xuyên, đặc biệt nên ăn nhẹ trước khi đi ngủ để bạn không phải thức giấc vì đói. Chuẩn bị sẵn một gói bánh quy ở gần giường để nạp năng lượng trước khi ra khỏi giường vào sáng hôm sau, nên uống nhiều để bù lại lượng nước bị mất lúc nôn mửa.

3… Tôi có những cơn đau lạ.

Thật khó để không lo lắng trước những cơn đau nhưng những cơn đau âm ỉ như đau bụng kinh khá phổ biến trong những tháng đầu mang thai. Chẳng có gì bất thường khi bạn cảm thấy những cơn đau râm ran ở bụng dưới khi cổ tử cung nở ra và các dây chằng giãn ra để đỡ lấy thai.

Những cơn đau nhức này có thể tiếp tục trong suốt thời gian mang thai bởi sự phát triển về kích thước của bé có thể tạo ra sức ép lên các dây chằng và cơ bắp của bạn. Nếu chúng chỉ xảy ra thỉnh thoảng và không đi kèm với sốt, nóng lạnh, chảy máu hay ra nhiều khí hư thì bạn không cần phải lo lắng. Nếu bạn trải qua những cơn đau dữ dội và dai dẳng, đặc biệt ở một bên kèm với việc ra dịch âm đạo màu đỏ tím trong tam cá nguyệt đầu tiên, hãy nhập viện ngay để kịp xác định liệu có phải bạn mang thai ngoài tử cung hay không.

4... Bụng tôi trông không như mang bầu.

Chẳng ai có vóc dáng giống hệt nhau, vậy tại bạn phải lo bụng bầu của mình có giống các mẹ khác không? Rất nhiều thứ tạo nên sự khác biệt, như việc bạn cao hay thấp, con bạn lớn thế nào và bé nằm ở tư thế nào. Những phụ nữ có vóc dáng gọn gàng và cơ bụng săn chắc thường sẽ mang thai bụng cao và gọn hơn, ngoài ra cách ăn mặc cũng khiến bụng bầu gọn hay xồ xề hơn so với thực tế.

Đừng so sánh bụng bạn với những người khác. Hãy tập trung vào sự thay đổi của nó hàng tuần, vào việc bạn có còn thoải mái trong những bộ quần áo này không, và nếu có bất kỳ lo lắng nào, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn thay vì hỏi xung quanh và lo nghĩ vẩn vơ.

5… Tôi có thai mà không chuẩn bị trước và không uống axit folic.

Có hàng ngàn thai phụ không kế hoạch cho việc mang thai do vậy rất nhiều người trong số họ không uống bổ sung axit folic 3 tháng trước khi thụ thai theo hướng dẫn. Nếu bạn có chế độ ăn uống lành mạnh và đặc biệt nếu bạn có uống vitamin tổng hợp thường xuyên kể cả có định mang thai hay không, bạn hầu như chẳng có gì lo lắng về việc thiếu axit folic.

Tuy nhiên, Bộ Y Tế khuyên rằng bạn nên bổ sung hàng ngày khoảng 400 (mcg) microgram axit folic trong suốt 12 tuần đầu tiên để làm giảm nguy cơ khuyết tật ống thần kinh như chứng nứt đốt sống.

6... Đôi khi tôi không cảm thấy chuyển động của bé.

Phút trước bạn còn than vãn rằng bé quẫy đạp khiến bạn thức giấc, phút sau bạn đã cuống lên vì không cảm thấy được chuyển động của bé. Vậy thì thế nào là bình thường đây? Bé của bạn có nhịp hoạt động của riêng mình. Làm quen với nhịp độ chuyển động của bé sẽ giúp bạn nhận biết được thế nào là bất thường so nhịp hoạt động bình thường của bé. Nếu bạn lo lắng hay không cảm thấy được bất cứ chuyển động nào trong vòng 12 tiếng, hãy liên lạc ngay với bác sĩ để được kiểm tra.

Đôi khi khá dễ dàng bỏ qua các chuyển động của bé khi bạn bận rộn suốt cả ngày. Uống một ly nước lạnh thường là một cách tốt để thúc bé cử động, nhưng nên nhớ là các chuyển động của bé sẽ it dần và thay đổi khi bạn gần đến ngày khai hoa. Các bé có kích thước lớn sẽ có it không gian để nhào lộn hơn.

7… Tôi lỡ say mèm trước khi biết mình có thai.

Có rất nhiều các lời khuyên đối nghịch nhau về việc uống bia rượu trong suốt thời gian mang thai nhưng Bộ Y Tế khuyên phụ nữ có thai hoàn toàn không nên uống các thức uống này. Lý thuyết là vậy, nhưng không ít trường hợp các bà mẹ uống rượu và hút thuốc trước khi họ kịp biết mình đã có thai. Nếu bạn cẩn thận ngay từ bây giờ, sẽ cực kỳ it có khả năng một đêm quá chén trước khi bạn biết mình có thai sẽ gây ảnh hưởng bất lợi cho quá trình mang thai hoặc em bé của bạn.

8… Tôi phải dựa vào cà phê để chống lại các cơn mệt mỏi.

Nếu bạn không thể tỉnh táo và đủ sức làm gì khi không có caffeine thì hãy cố dùng chúng ở mức thấp nhất và đừng lạm dụng. Caffeine với lượng vừa phải sẽ không gây hại đến bé nhưng các khảo sát cho rằng bạn không nên dùng quá 300mg một ngày bởi hàm lượng caffeine cao thường có liên quan đến việc tăng nguy cơ sảy thai, suy dinh dưỡng bào thai và khuyết tật bẩm sinh,

9… Tôi bị va vào bụng.

Thật khó để luôn đi đứng thoải mái và vững vàng khi bạn đang "chửa vượt mặt". Nhưng thật may là em bé trong bụng bạn được bảo vệ rất tốt khỏi hầu hết các va đập thông thường nhờ túi ối, cơ bụng rất khoẻ và thành tử cung rất chắc chắn. Chỉ một số ít trường hợp mẹ gặp tai nạn và có va đập mạnh ở vùng bụng thì mới có khả năng bóc tách nhau thai. Nếu bạn thấy đau bụng, chảy máu âm đạo và rò ối sau tai nạn, hãy đến bệnh viện phụ sản ngay.

10… Tôi ăn kha khá thịt nguội trước khi biết đó là món cần tránh khi mang thai.

Rất it khả năng điều này gây tổn hại cho bạn nhưng vẫn cần tránh pate, các thực phẩm làm từ bơ sữa chưa diệt khuẩn và các loại phô mai vì chúng có thể chứa khuẩn listeria, một loại vi khuẩn có thể gây hại đến em bé chưa chào đời của bạn.

Bạn cũng nên tránh ăn trứng sống, thịt tái hoặc các loại hải sản sống. Chúng có thể mang các vi khuẩn salmonella, một loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm. Các thực phẩm làm từ gan và các viên bổ sung chứa vitamin A cũng cần được sử dụng có cân nhắc vì vitamin A hàm lượng cao có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Thịt sống / tái, xông khói hoặc ướp muối như đùi lợn Parma (món Ý) và các loại rau quả không rửa sạch có thể mang khuẩn toxoplasmosis có thể gây sảy thai, chết lưu hay tổn thương nội tạng. Nên hạn chế ăn các loại cá vào khoảng 2 phần ăn một tuần bởi chúng có chứa các chất gây ô nhiễm, và cá ngừ đại dương vào khoảng 1 miếng hay 4 hộp cỡ trung mỗi tuần, bởi hàm lượng thủy ngân khá cao có thể gây tổn hại đên sự phát triển hệ thần kinh của trẻ.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn