Tiểu đường thai kỳ (TĐTK) là gì? Nếu được bác sĩ chẩn đoán là TĐTK thì sau khi sinh có khỏi được không? Làm thế nào để nhận biết được bệnh và có chữa được không? Em bé sẽ ảnh hưởng thế nào nếu mẹ bị tiểu đường thai kỳ?
Hoang mang tiểu đường thai kỳ
Khổ quá đi mất, nhiều mẹ bầu đi siêu âm ở thời điểm từ 20-24 tuần mà nghe bác sĩ phán ngay một câu: tiểu đường thai kỳ rồi, là hoang mang gần chết. Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào. May mắn là chỉ xuất hiện và chỉ tồn tại trong thời gian người phụ nữ mang thai, có thể tự khỏi sau khi sinh.
Có nhiều mẹ thắc mắc: không ăn ngọt, không ăn nhiều tinh bột, uống nhiều nước, ăn nhiều rau, thế mà không biết sao lại bị tiểu đường. Thật ra, những phụ nữ có nguy cơ cao nhất không chỉ là những người đang hoặc có tiền sử mắc bệnh tiểu đường hoặc đã từng mắc tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước, phụ nữ thừa cân – tăng cân nhiều suốt thai kỳ và những phụ nữ từng sảy thai hay tiền sản giật... Tiểu đường thai kỳ còn gặp ở những mẹ lớn tuổi, mắc bệnh huyết áp cao, gia đình ruột thịt có người từng phải tiêm insulin bổ sung.
Nguy hiểm cả mẹ cả con
Bị tiểu đường thai kỳ kể ra rất nguy hiểm cho cả mẹ cả con. Những rối loạn chuyển hóa trong thời kỳ mang thai sẽ ảnh hưởng cả thai nhi và cả mẹ. Nếu không được phát hiện để điều trị kịp thời, mẹ có thể bị phù, bị suy hô hấp, bị tiền sản giật, còn đối với thai nhi có thể gây dị dạng thai, thai to. Dị dạng thai là bệnh lý ống thần kinh, thoái triển vùng đuôi, xương sống chẻ đôi, não úng thủy, vô não. Ngoài ra bé còn có thể bị dị dạng ở tim (thông liên thất, thông liên nhĩ), dị dạng đường tiêu hóa (teo hậu môn, trực tràng), dị dạng thận… Thai to là do khi mang thai mẹ tăng cân nhiều nên thai càng to, trọng lượng thai to trên 4 ký khi sinh thường gặp tai biến như trật khớp vai và phải mổ lấy thai.
Ăn kiêng là biện pháp hữu hiệu
Thực đơn của mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ còn quá cả ăn kiêng. Ăn sáng không được quá 150ml sữa, 60g bánh mì, 10g bơ. Ăn trưa/tối không được quá 150g tinh bột (tương đương 7 thìa súp cơm hoặc 3 củ khoai tây nhỏ), 40g bánh mì, còn rau, thịt cá trứng ăn thoải mái. Có thể ăn 2-3 bữa phụ với hoa quả, sữa, pho mai với khoảng 40g bánh mì.
Về hoa quả mỗi ngày không được ăn quá 3 đơn vị quả (1 đơn vị quả = 1 quả táo/1 quả lê/một nửa quả chuối/2 quả kiwi/ 2 quả quýt/12 quả nho (nho với chuối nhiều đường)). Còn lại cấm tiệt các loại đồ ngọt, đồ uống chứa đường, các loại sốt bán sẵn cũng chứa nhiều đường nên phải tránh luôn. Ngoài ra sau bữa ăn khoảng 1 tiếng nên đi lại vận động để đường giảm bớt.
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn