Béo phì không chỉ làm cho phụ nữ gặp rắc rối về mặt sức khỏe mà còn khiến cho khả năng làm mẹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo các nhà nghiên cứu thì phụ nữ béo phì không nên vội vàng mang thai vì sẽ gây ra khó khăn trong quá trình sinh nở.
Tình trạng béo phì khiến bà bầu gặp khó khăn khi mang thai bởi sự phát triển của thai và sự phát triển của cơ thể mình làm cho họ cảm thấy nặng nề và mệt nhọc. Hệ thống cơ xương phải chịu một lúc cả trọng lượng thai và trong lượng dư thừa của cơ thể mẹ.
Phụ nữ béo phì nên bước vào chế độ luyện tập giảm cân lành mạnh trước khi muốn sanh em bé. Bởi vì mang thai trong tình trạng béo phì rất dễ xảy ra biến chứng.
Các biến chứng khi mang thai mà thai phụ thừa cân hay béo phì có thể gặp
Hãy kiểm soát tốt cân nặng trước khi mang thai
Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, nhiều khả năng bạn sẽ gặp các vấn đề y khoa hơn những phụ nữ mang thai có cân nặng khỏe mạnh.
Càng thừa cân nhiều, rủi ro càng cao. Những rủi ro này bao gồm:
- Phụ nữ béo phì rất dễ bị vô sinh
- Trong trường hợp có thai, phụ nữ béo phì rất dễ bị sẩy thai. Em bé dễ bị tử vong trong tử cung trước 20 tuần của thai kỳ
- Huyết áp cao và tiền sản giật: Một dạng cao huyết áp mà chỉ phụ nữ mang thai mới bị. Nó có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho người mẹ và em bé.
- Phụ nữ béo bì dễ bị mắc bệnh tiểu đường thai nghén. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm với mẹ bầu.
- Các biến chứng trong quá trình đau đẻ và sinh, bao gồm cả việc em bé rất to (được gọi là to so với tuổi thai) hoặc cần mổ lấy thai.
- Một số các vấn đề này như tiền sản giật có thể tăng nguy cơ sinh non. Sinh non là sinh trước 37 tuần của thai kỳ. Như thế là quá sớm và có thể gây các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho bé.
Thai phụ thừa cân và béo phì có gây ảnh hưởng đến bé không?
Hầu hết các bé do các người mẹ thừa cân và béo phì đều được sinh ra khỏe mạnh. Nhưng thừa cân và béo phì trong thai kỳ có thể gây các vấn đề sức khỏe cho bé:
- Dị tật bẩm sinh, bao gồm cả các khuyết tật ống thần kinh (NTD). NTD là những dị tật bẩm sinh của não và cột sống.
- Em bé dễ bị sinh non.
- Thương tích, như trường hợp đẻ khó do kẹt vai (khi vai thai nhi kẹt phía sau xương mu của mẹ sau khi đã sổ đầu) trong khi sinh vì em bé to.
- Chết sau khi sinh.
- Béo phì trong thời thơ ấu.
Những khó khăn khác của phụ nữ béo phì khi mang thai và nuôi con
Gây khó khăn cho việc siêu âm
Một công trình được công bố trên tạp chí chuyên ngành Sản và phụ khoa của Mỹ còn cảnh báo phụ nữ béo phì hay thừa cân có thể nhận được kết quả siêu âm không chính xác, gây khó khăn cho việc xác định trước những triệu chứng bất thường của bào thai.
Khó khăn trong quá trình nuôi con
Sữa mẹ có khả năng tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ sơ sinh, phát triển não bộ và giảm nguy cơ mắc bệnh về đường tiêu hóa, dị ứng, hen phế, viêm khớp về sau. Thế nhưng, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ ở bà mẹ béo phì thấp hơn rõ rệt so với những bà mẹ bình thường. Động tác mút sữa của trẻ sẽ kích thích não mẹ tiết ra một loại hóc môn Prolactin (gây tiết sữa). Ở phụ nữ béo phì, động tác mút của con không gây tiết Prolactin bình thường, vì vậy mà họ thường cho trẻ ngưng bú sớm.
Lời khuyên cho phụ nữ thừa cân, béo phì
Rủi ro khi mang thai trong tình trạng béo phì là rất cao. Chính vì vậy bạn nên để ý kiểm soát cân nặng của mình nếu muốn sinh được những đứa trẻ bụ bẫm… Hãy tập cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh ăn những thức ăn ngọt hay nhiều dầu mỡ và thay vào đó là rau củ quả. Các loại thịt, hải sản giúp tăng cường chất sắt, đảm bảo cho cơ thể bạn không bị dư thừa những chất có thể chuyển hóa và tích tụ thành mỡ có hại…
Bên cạnh đó, hãy chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao, đây là cách tốt nhất để bạn vượt qua giai đoạn thừa cân.
Theo Phununew
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn