Những thắc mắc dưới đây chắc chắn mẹ nào cũng gặp phải khi lần đầu đi đẻ.





Bỡ ngỡ, lo lắng là tâm lý chung của tất cả mẹ bầu sắp đến ngày sinh nở đặc biệt là những người mang thai lần đầu. Những thắc mắc dưới đây chắc chắn bạn cũng đã từng vướng phải, hãy nghe những lời giải thích của chuyên gia để hiểu hơn về quá trình chuyển dạ, sinh nở.
Vì sao chuyển dạ hay diễn ra vào nửa đêm về sáng?
Theo kết quả nghiên cứu của cây bút khoa học Jena Pincott được ghi chép trong cuốn sách mới viết về thai kỳ, các cơn co chuyển dạ thường bắt đầu từ khoảng giữa đêm tới 4h sáng. Nguyên nhân là trong số các hormone đạt số lượng đỉnh điểm vào ban đêm thì có estriol và oxytocin - hai loại hormone ở thai phụ khiến tử cung co thắt và cổ tử cung giãn nở.
Các nhà tâm lý học tiến hóa nhận định, hiện tượng này xảy ra vì đêm là thời điểm con người cảm thấy an toàn nhất, bình tĩnh và ít bị phân tâm nhất. Ngay từ thời tiền sử, các bà mẹ cũng cảm thấy việc chuyển dạ ban đêm có lợi, vì các thành viên khác trong bộ lạc đều ở nhà vào khoảng thời gian đó (không ai đi hái lượm thực phẩm vào ban đêm) và sẵn sàng hỗ trợ mình “vượt cạn”.
<center></center><center>Có rất nhiều lý giải về sự có lợi khi chuyển dạ vào ban đêm. (ảnh minh họa)</center>
Cứ đi đẻ là phải "thụt"?
Theo ý kiến của các mẹ đã từng trải qua quá trình sinh nở, chị em bầu nên chủ động trong việc thụt phân trước khi đi sinh nở vì không phải bệnh viện nào cũng thụt rửa cho bạn. Hơn nữa trong lúc cơn đau chuyển dạ lên cao điểm, có thể bạn sẽ quên mất việc làm quan trọng này.
Trong trường hợp không kịp thông thụt hậu môn ở nhà mà đã lâu bạn không đi vệ sinh được, bạn đừng ngại ngần trao đổi với y tá để được thông thụt cho sạch sẽ. Bởi hầu hết các bà bầu khi thấy xuất hiện những cơn đau chuyển dạ sẽ phải mất đến 4-5h sau mới có thể sinh nở được nên cứ bình tĩnh.
Dù vậy, trong một số trường hợp chị em không nên tự ý thông thụt hậu môn mà cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ, đó là khi bị vỡ ối sớm, ngôi thai không thuận, có tiền sử mổ đẻ, cơn co tử cung tương đối mạnh, có tiền sử sinh quá nhanh, mắc bệnh tim mạch, có vết rách tầng sinh môn hoặc bị lậu âm đạo và trực tràng.
Vì sao vỡ ối mà cổ tử cung vẫn chưa mở?
Khi mới bắt đầu chuyển dạ thì màng ối vẫn còn, thường chưa bị vỡ. Cuộc chuyển dạ thuận lợi thì ối vỡ "đúng lúc", nghĩa là lúc cổ tử cung đã mở gần hết hoặc ít nhất cũng mở 5-6cm.
Ối có thể vỡ bất thường. Có khi bà mẹ chưa chuyển dạ ối đã vỡ gọi là "ối vỡ non". Nếu đã chuyển dạ thật sự nhưng cổ tử cung chưa mở hoặc mới mở dưới 4 cm mà ối đã vỡ thì gọi là "ối vỡ sớm". Thời gian ối vỡ càng lâu thì nguy cơ nhiễm khuẩn do vi khuẩn từ âm đạo lan lên tử cung càng cao.
Nếu bà mẹ có thể đẻ được thai ra trong vòng 6 tiếng đồng hồ kể từ khi vỡ ối thì hầu như không có nguy cơ nhiễm khuẩn cho cả mẹ và thai. Song nếu ối vỡ đã trên 6 giờ mà chưa sinh được con thì nguy cơ nhiễm khuẩn tăng lên và có thể rất nguy hiểm.
Không phải mọi trường hợp ối vỡ non hoặc sớm đều phải xử trí bằng cách mổ lấy thai. Trên thực tế, không ít trường hợp ối vỡ sớm, thậm chí vỡ non nhưng sau khi theo dõi và chăm sóc, điều trị đúng cách của cán bộ y tế, sản phụ vẫn có thể đẻ thường.
Theo Eva.vn


Nguồn SKĐS




Theo bau.vn