Các bậc cha mẹ cần giúp cho trẻ tập những thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày, như biết chăm sóc cơ thể, ăn uống hợp lý, ngủ nghỉ đúng giờ... Điều này rất cần thiết trong những năm đầu đời, để giúp con mình hình thành cách sống có nề nếp khi lớn lên.
<strong style="text-align: justify;">Sự khởi đầu đúng đắn[/B]
Ngày nay, trẻ tiêu tốn phần lớn thời gian vào xem TV, chơi games và sử dụng máy vi tính, thay vì vui chơi, sinh hoạt với bạn bè. Việc giảm bớt các hoạt động về thể chất sẽ ảnh hưởng quan trọng đến quá trình phát triển của trẻ, dẫn tới béo phì ngày càng tăng. Vì vậy, một chế độ ăn uống thích hợp chính là chìa khóa giúp trẻ phát triển tốt hơn.
Thay vì áp đặt cho con những món ăn “tốt” hay “không tốt”, bạn cần làm gương và dạy những kiến thức cơ bản. Nên khuyến khích trẻ sống điều độ và cùng con thiết lập những chế độ, thời biểu để cùng thực hiện. Nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy, trẻ luôn cảm thấy yêu thích được cùng vui chơi gần gũi với cha mẹ. Đây chính là điểm thuận lợi để khuyến khích dẫn dắt con vào những hoạt động thể chất tốt.
Ăn uống tốt
Những trẻ ăn bữa sáng thường học tốt hơn, tập trung vào bài vở hơn, ít bực bội và gây gỗ hơn. Bữa sáng giúp trẻ đạt được mức dinh dưỡng cần có và tránh những vấn đề về thể trọng. Nếu không có thời gian chuẩn bị bữa ăn sáng, bạn nên:
- Dự trữ những món điểm tâm hoặc làm sẵn trái cây cho trẻ ăn trên đường đến trường.
- Cho trẻ ăn 1 tô ngũ cốc (loại chế biến sẵn bán tại các siêu thị) và 1 ly sữa. Không tốn nhiều thời gian chuẩn bị, mà lại cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để trẻ khởi đầu ngày mới.
- Làm sẵn những món ăn hoặc mua sẵn để trẻ có thể lấy ăn lúc chuẩn bị đi học.
Để tạo một bữa ăn vui vẻ, bạn cần chú ý:
- Tâm lý trẻ là thường thích ăn những món mà mình góp phần chuẩn bị trước đó, nên bạn cần khuyến khích trẻ giúp mình cùng nấu ăn. Thời gian đầu, có thể gây trở ngại cho bạn, nhưng dần dần, trẻ sẽ trở thành “phụ tá” đắc lực của bạn.
- Bảo đảm cho trẻ không ăn vặt quá nhiều khi gần đến bữa ăn chính.
Ngoài ra, bạn cần linh động trong việc phân chia khẩu phần mỗi ngày cho trẻ, tùy theo mức độ ăn của con. Không nên thúc ép ăn hết khẩu phần được chia khi trẻ không cảm thấy đói. Đồng thời, tránh để con xem TV trong giờ ăn, để giúp trẻ có thể chú ý hơn vào món ăn và có lợi cho hệ tiêu hóa.
Sinh hoạt tốt
Bạn cần dành cho trẻ những hoạt động thay đổi thường xuyên sau giờ học, chẳng hạn như chơi đùa với thú nuôi, chạy xe đạp hoặc phụ giúp công việc trong nhà. Các chương trinhg TV, trò chơi games…, khiến trẻ xa rời những hoạt động thể thao. Vì vậy, bạn cần xác định chỉ dành cho con từ 1 - 2 giờ/ngày, để xem TV hay chọn lựa một số trò chơi giải trí lành mạnh ở máy tính. Đồng thời, bạn cũng cần hạn chế thời gian xem TV của chính mình, để cả gia đình có thể cùng tham gia vào một trò chơi nào đó.
Khuyến khích con dậy sớm và tham gia vào các hoạt động đơn giản như đuổi bắt, đạp xe hoặc đá banh quanh nhà. Bạn nên thường xuyên cho trẻ chơi ngoài không khí trong lành, dắt trẻ đi bộ ngắn hoặc cùng nhảy múa theo điệu nhạc thể dục. Nên nhớ, cho trẻ nghỉ ngơi hợp lý và giải thích với con rằng, cơ thể chúng ta cần phải nghỉ ngơi lấy sức cho các hoạt động khác trong ngày, để trẻ không bị quá độ.
Động lực từ gia đình
Cả gia đình bạn sẽ có một cuộc sống lành mạnh nếu như có cùng động lực. Cha mẹ cần tạo sự gần gũi và mẫu mực cho con cái. Trẻ thường thích có cha mẹ cùng chơi thể thao hoặc ít nhất cũng là xem con chơi và tán thưởng. Hoạt động thể chất không nhất thiết phải là một trò chơi quá nặng đối với trẻ nhỏ, chỉ cần như chạy bộ, đi bộ… Bạn nên hướng về những loại hình trò chơi mà trẻ có thể tham gia một cách hào hứng nhất. Nên tổ chức những ngày cả nha cùng đi chơi, có thể là cắm trại ở công viên, đi thăm bảo tàng, thảo cầm viên (trong đó có đi bộ nhiều, có chạy nhảy vui chơi). Buổi tối, thay vì tụ lại quanh chiếc TV để coi phim sau bữa cơm, cả nhà hãy cùng nhau dạo bộ. Đây cũng là cơ hội để cùng nhau trò chuyện và gắn kết hơn các thành viên trong gia đình.
Thùy Như (tạp chí Bầu)
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn