Việc chuẩn bị cho quá trình tập viết chữ của bé có thể bắt đầu từ rất sớm, khi trẻ mới chỉ lên hai tuổi, thông qua các thói quen, những trò chơi. Vậy, làm thế nào để “huấn luyện” trẻ tập viết chữ mà không gặp phải nhiều trở ngại?





Chậm mà chắc
Cho trẻ tập viết chữ trước độ tuổi đi học, đôi khi lại mang đến những kết quả không mấy khả quan, trái với sự mong đợi của bạn. Sự phát triển của trẻ bao gồm nhiều giai đoạn, thông qua các hoạt động tác động qua lại lẫn nhau của học và chơi. Cho trẻ tập viết quá sớm, tâm lý của cả bố mẹ và bé thường rất nặng nề và căng thẳng, bởi bạn luôn cố bắt con phải viết đúng theo ý mình, trong khi trẻ chưa bao giờ được rèn luyện kỹ năng này và chưa thể bắt đầu tập viết một cách thành thạo. Tâm lý ấy cũng ảnh hưởng đến sự hứng thú tập viết và các kỹ năng liên quan đến viết về sau cho trẻ.
Từ tuổi lên hai, trẻ đã bắt đầu thích cầm bút, nhưng thường chỉ vẽ linh tinh các hình dạng như hình tròn, hình chữ nhật, hình vuông, một vài mẫu chữ cái không rõ ràng hoặc bất cứ hình dạng nào mà chúng thích. Bạn đừng quá lo lắng khi trẻ đặt thẳng bút vào giữa lòng bàn tay và cứ thế viết vẽ. Đó là cách cầm phổ biến ở nhiều trẻ khi bắt đầu làm quen với cây bút. Đây là sự khởi đầu “hoàn hảo”, vì nó khá chắc chắn và có thể giúp các cơ yếu trong bàn tay trẻ phát triển khỏe khoắn hơn.

Cho bé chơi các trò chơi

Trong khi khả năng ngôn ngữ của trẻ phát triển từ từ theo từng giai đoạn, thì khả năng viết phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như sự phát triển và kết hợp linh hoạt của các ngón tay, cổ tay, các cơ quanh vùng bàn tay, sự vận dụng giữa mắt và tay, những kết hợp của tay trái, tay phải… Để có sự nhuần nhuyễn trong việc kết hợp linh hoạt này, trẻ cần được vận động và chơi nhiều trò chơi từ khi còn bé, thông qua các trò như chơi đất nặn, chơi với những chiếc kẹp quần áo bằng cách đóng, mở chúng. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên yêu cầu con thực hiện một số động tác đơn giản, phù hợp như đóng, mở nút một cái chai, gài cúc áo, bóc vỏ quả quýt, nhặt những vật nhỏ…
Để bắt đầu với việc tập viết thực thụ, trẻ nên được làm quen với việc viết qua những vật trung gian, như viết vẽ trên cát, vẽ bằng ngón tay trên chiếc cửa kính bám bụi. Việc này giúp trẻ nhanh nhớ mặt chữ và cảm thấy vui hơn với việc học chữ. Bởi các bé thấy rằng, tập viết chữ cũng như chơi một trò chơi, rất vui vẻ và khá thích thú. Hãy dùng một chiếc bút chì cỡ ngắn hoặc những chiếc bút màu to bản cho trẻ tập viết vẽ, nhưng đừng bắt bé phải ngồi quá lâu trên bàn học và thực hiện các yêu cầu của bạn. Bạn cũng có thể dán những tờ giấy khổ lớn trên tường cho trẻ có thể vừa đứng vừa viết, thậm chí là quỳ dưới sàn nhà để viết vẽ những ký tự hay hình dạng ưa thích. Cách viết như vậy sẽ giúp cổ tay phát triển một cách khỏe khoắn và giúp bé quen được với cách đặt cổ tay khi viết đúng cách. Ngoài ra, nó cũng giúp trẻ có cơ hội vận dụng nhiều múi cơ từ các ngón tay khi viết, hơn là tận dụng sức mạnh của cẳng tay theo cách ngồi viết cố định ở bàn học.

* Những dấu hiệu khi trẻ sẵn sàng tập viết chữ:

- Bé biết cầm bút đúng cách.
- Có thể biết vẽ những hình tam giác, chữ nhật, hình tròn và một số dấu, nét như: nét sổ đứng (|), nét ngang (─), dấu phẩy (, ), nét gạch chéo (X)…
- Bé đã xác định được các chữ cái.
- Bé luôn được thúc đẩy việc tập viết và có hứng thú với việc viết.
Giúp bé viết tốt hơn
Nếu ban đầu, chữ của trẻ to hơn mẫu chữ thông thường, bạn hãy vẽ vào giấy những ô vuông để quy định cỡ chữ. Sau đó, yêu cầu bé chỉ được viết chữ trong các ô đó. Dần dần, trẻ sẽ quen được với kích cỡ chữ theo đúng quy định. Nếu bé viết chữ cao hơn so với dòng, bạn có thể dùng bút đánh dấu với màu sắc bé yêu thích. Sau đó, dùng bút tô đậm lên những dòng kẻ quy định chiều cao của chữ. Việc đánh dấu này giúp trẻ chú ý tốt hơn đến việc vươn cao nét chữ của mình theo đúng phần màu đã quy định. Khi đã viết tốt hơn, bạn nên khen ngợi con và động viên con.
Việc học viết chữ ở trẻ không phải là một hành trình êm đềm, mà đòi hỏi sự kiên nhẫn và biết cảm thông của bố mẹ, nhất là những khi bé mắc lỗi. Vì thế, bạn đừng tỏ ra mất bình tĩnh khi trẻ viết sai, viết lệch dòng hoặc cách đặt tay, cầm bút không đúng cách. Lúc này, bạn nên thể hiện sự cảm thông với con và hướng dẫn con làm thế nào để sửa những lỗi đó.

Nếu con quen viết bằng tay trái

Chữ viết thường được bắt đầu từ trái sang phải. Tuy nhiên, cách viết này thường “gây khó” cho những trẻ quen viết bằng tay trái. Khi viết, những trẻ thuận tay phải thường đẩy nét chữ tự do, không bị bó buộc vào hướng của cơ thể và đưa bút nhẹ nhàng trên trang giấy, thì các bé viết bằng tay trái thường viết chữ đi theo hướng của cơ thể và giật mạnh phần bút để viết, khiến việc viết chữ trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, nếu trẻ viết tay trái mà không được hướng dẫn đúng đắn, việc tập viết của bé sẽ trở thành một nhiệm vụ nặng nề, khiến cho kết quả sau này không hiệu quả. Trẻ có thể viết chậm, viết ẩu hay nét chữ nguệch ngoạc. Điều quan trọng nhất trong việc “huấn luyện” trẻ quen với tay trái, là phải đặt vị trí hướng giấy, cách đặt cánh tay, khuỷu tay, cách giữ giấy sao cho thuận tiện nhất để trẻ tập viết, chứ không thể đặt vở theo cách thông thường như các bé thuận tay phải. Hãy hướng dẫn trẻ cách đặt nghiêng vở, giấy khoảng 45º theo chiều kim đồng hồ. Như vậy, các thao tác của tay trong lúc viết sẽ được giam nhẹ và ít gây rắc rối hơn.
Để quá trình tập viết hiệu quả hơn, bạn cũng nên nhắc trẻ luôn đặt tay và cổ tay ở ngay phía dưới các dòng kẻ trên giấy viết. Điều này làm giảm thiểu các vết bẩn, vết mực có thể dính ra giấy. Quan trọng hơn, hãy luôn kiên nhẫn và bình tĩnh với những trẻ bắt đầu tập viết bằng tay trái, đừng kiên quyết và vội ép con phải chuyển cách viết từ tay trái sang tay phải. Bởi việc thuận tay nào còn phụ thuộc vào vùng não, khi não được phân chia thành hai phần (não trái, não phải) với các chức năng khác nhau.
Phương Linh (tạp chí Bầu)




Nguồn SKĐS




Theo bau.vn