Việc nuôi dạy con trai có những điểm khác biệt và khó khăn nhất định. Dưới đây là những sai lầm mà nhiều người vẫn mắc phải khi nuôi dạy con trai.
Ngay cả những ông bố bà mẹ có định hướng tốt vẫn có thể mắc sai lầm trong cách dạy con. Không ít bố mẹ có con trai vẫn nuôi dạy con theo những quan niệm cũ về đấng nam nhi dưới đây:
Luôn mong con trai mạnh mẽ trong cảm xúc
Ảnh minh họa.
Hầu hết các ông bố bà mẹ đều cho rằng việc dạy dỗ cứng rắn sẽ khiến cho con trai trở nên mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy nên các bậc phụ huynh thường sẵn sàng dang tay ôm lấy đứa con gái bé bỏng của họ khi bé buồn nhưng lại cố gắng dạy con trai học cách cứng rắn và mạnh mẽ trong cảm xúc.
Thực tế thì cả bé trai lẫn bé gái đều trải qua những cung bậc cảm xúc và thật không tốt chút nào khi bố mẹ bắt con trai phải giấu nhẹm cảm xúc của mình đi mỗi khi có chuyện buồn.
Hãy dạy con trai cách bộ lộ những cảm xúc của chính mình như: buồn, thất vọng, xấu hổ, tự hào, sợ hãi, bối rối, yêu, khát khao, dũng cảm hay bất an... Bên cạnh đó bạn cũng nên cùng con thực hành sử dụng những tữ ngữ này để nhận xét về các nhân vật trong các cuốn sách hoặc các bộ phim và dùng những từ này để miêu tả cảm xúc của chính mình.
Con trai không bao giờ là nạn nhân của xâm hại tình dục
Các bậc cha mẹ thường chủ quan cho rằng con trai không bao giờ là nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục. Thực tế thì 6 bé trai sẽ có 1 bé là nạn nhân của việc quan hệ tình dục ngoài ý muốn trước khi chúng đủ 18 tuổi. Đó thực sự là một con số khá cao. Việc bảo vệ bé gái là cần thiết, nhưng không thể bỏ qua các biện pháp để bảo vệ bé trai khỏi bị xâm hại tình dục.
Hãy dạy con trai những bộ phận trên cơ thể và nói chuyện với con về những giới hạn về mặt thể xác từ sớm cũng như đưa ra những lời khuyên để trẻ biết chúng có quyền nói “không” với bất kì sự tiếp xúc không mong muốn nào. Hãy để các con biết là con có thể tâm sự với bố mẹ bất kì lúc nào và bố mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe cũng như chúng sẽ không gặp rắc rối khi đã nói ra sự thật.
Bắt bé trai phải chơi tốt các môn thể thao
Mong muốn con khỏe mạnh, cứng cáp và có khả năng đương đầu tốt hơn với những trở ngại trong cuộc sống, nhiều bố mẹ đã cho con trai học thể thao. Thậm chí họ còn bắt ép con phải chơi tốt các môn thể thao.
Thực tế, thể thao là một liều thuốc tuyệt vời nhưng không phải ai cũng có thể áp dụng được. Trẻ nên học chơi một môn thể thao đồng đội nào đó khi còn nhỏ nhưng không nhất thiết là phải chơi xuất sắc. Chắc hẳn bạn sẽ thật tự hào khi con giành được bàn thắng hay ném bóng trúng rổ và cũng nên tự hào như vậy khi thấy con làm việc chăm chỉ và đạt được mục tiêu của chúng hơn là việc chiến thắng một ai đó.
Bởi ngoài thể thao ra thì có rất nhiều cách để giúp trẻ khỏe mạnh và năng động hàng ngày như: đào hố nhỏ để trồng cây hoặc giúp ba mẹ làm vườn, trồng hoa…
Dạy con trai không được sợ hãi
Muốn con trai mạnh mẽ, nhiều người đã gạt đi nỗi sợ của con bằng câu nói “Không có gì phải sợ cả”, "đàn ông phải mạnh mẽ lên". Thực tế, sợ hãi là cảm xúc chung của con người. Hãy hỏi con rằng điều gì đã khiến con lo sợ như vậy. Nói chuyện và giải thích cho con hiểu rằng người dũng cảm không phải là những người không bao giờ biết sợ, họ biết sợ nhưng vẫn dũng cảm chọn đương đầu với thử thách bằng mọi cách.
Cho rằng chúng sẽ không làm hại ai
Bố mẹ nào cũng luôn muốn nghĩ tốt về con mình nhưng nên dạy con biết đồng cảm để con có thể hiểu được hành động của chúng có tác động như thế nào tới cảm xúc của người khác từ khi còn bé. Bạn cũng nên dạy cho con hiểu thế nào là sự đồng thuận và cả sự va chạm hoặc những vấn đề liên quan đến giới tính và tình dục. Hãy dạy con hiểu rằng con phải làm tất cả những gì có thể để chịu trách nhiệm về những tổn thương nếu con gây ra cho người khác.
Ôm ấp và gần gũi con trai mình sẽ khiến con khó trưởng thành
Quan niệm sai lầm này của bố mẹ đã đẩy con trai ra khỏi vòng tay mình. Thực tế thì chẳng có lí do gì để dừng việc ôm ấp đứa con trai của mình khi chúng đã là thanh thiếu niên.
Hãy có những hành động và cử chỉ phù hợp để con biết rằng bố mẹ luôn ở bên con, yêu thương con.
Bởi con trai đến độ tuổi nào đó hẳn sẽ đẩy bạn ra khi bạn hỏi con có muốn mẹ ôm con không nhưng chúng cần biết rằng bố mẹ vẫn luôn bên cạnh, thể hiện tình yêu với chúng ngay cả khi không còn là một đứa trẻ.
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn