Việc khách đến chơi nhà và thăm em bé trong những ngày Tết đã khiến cho nhiều bé sơ sinh bỗng trở nên quấy khóc, bứt rứt, mè nheo.







Bỗng dưng… bé khóc

Bé Nấm, 2 tháng tuổi vốn rất ngoan. Từ khi sinh ra bé gần như không bao giờ thức đêm hay quấy khóc. Vậy mà sau ngày mùng một Tết, khi được họ hàng và bạn bè bế truyền tay nhau, nựng nịu, ôm hôn, tối về bé bỗng “trở mặt”: khóc ngằn ngặt dù không đói, không khát, không buồn ngủ. Mẹ bế bồng thế nào, dỗ dành ra sao cũng không được. Đổi sang ba, bà, rồi ông bế và thay đổi các tư thế nhưng kết cục bé vẫn khóc và quấy suốt cả đêm. Sáng ra, cả nhà mặt ai cũng phờ phạc. Còn bé yêu thì đã chợp mắt ngủ sau một đêm mệt mỏi vì “vía” hành.

Cũng giống như Nấm, bé Mi, 2.5 tháng tuổi cũng bỗng trở nên bất trị sau ngày cả nhà đi tất niên với công ty bố mẹ. Trong buổi tất niên, bé được các cô các chú bế ẵm, ai cũng muốn nựng yêu đôi má thơm mùi sữa phúng phính, đôi môi chúm chím đỏ hồng và đôi bàn tay ú nần trắng tinh. Suốt buổi, bé không khóc, cứ giương mắt nhìn mọi người ngơ ngác, mệt nữa thì ngủ khì, ai cũng bảo “chó con này ngoan quá”. Nhưng tối về, khi bắt đầu ru bé ngủ, bỗng bé bắt đầu trằn trọc, rên ư ử rồi khóc mè nheo, dẫn đến khóc to, khóc dữ. Từ một đứa trẻ cả ngày không biết khóc lấy một lời, dễ ăn, dễ uống, bé bỗng trở nên khó chịu hết sức: không chịu ti mẹ, không uống sữa bình và khóc lóc váng trời đến tím tái cả người. Ai bồng cũng không chịu, càng đổi tay càng khóc tợn hơn.

Câu chuyện về những trẻ sơ sinh đang ngoan ngoãn bỗng trở nên quấy khóc, khó chịu không vì một lý do cụ thể nào sau khi gặp người lạ như trên hẳn không còn lạ với những người từng nuôi con nhỏ. Cái sự bỗng dưng đổi tính này được dân gian nôm na gọi là gặp phải vía nặng. Có kiêng có lành, với những bà nội, bà ngoại nuôi con, cháu lâu năm, họ xem đây là một điều cần tránh và thường dặn mẹ bé không nên cho bé con tiếp xúc với người lạ trong vòng 3 tháng 10 ngày.
<br style="font-weight: bold;">Loay hoay tìm cách giải

Nghe chuyện của bé Nấm, bé Mi, mẹ bé Sóc Nhí (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ một kinh nghiệm nhỏ mà mình đã từng “ứng dụng” hiệu quả. Đó là hồi Sóc Nhí chưa đầy tháng, hễ hôm nào có người đến thăm, ở lâu cả buổi, là đêm đó bé quấy khóc rất lạ. Rút kinh nghiệm, sau khi người thăm đi về, mẹ liền lấy đốt giấy báo hươ hươ bên giường con cho chắc ăn.

Đứng trước tình trạng con thay tính đổi nết 180 độ như vậy sau khi gặp người lạ, hẳn cha mẹ nào cũng sốt ruột và vịn vào nhiều cách dân gian khác nhau để giải trừ. Người thì dùng các cách đốt phong long như dùng giấy châm lửa và xua qua người bé, người lại dùng nhang đốt xông khắp phòng bé ngủ. Cũng có người dùng quần đen của bà già để đầu giường, lấy tóc rối của ai đó để vuốt cho bé. Thậm chí có người còn lấy nón rách để đốt sau đó mẹ ẵm con đi qua đi lại, nếu con gái 9 cái còn con trai 7 cái. Cẩn thận hơn, có nhà còn luôn treo ở cửa ra vào hoặc cửa phòng ngủ em bé một cành dâu hoặc xương rồng để phòng khi khách đến thăm nặng vía.

Với nhiều người, cách giải vía này là điều hoang tưởng. Nhưng cũng rất nhiều người lại ngợi ca cách này có thể giải vía hữu hiệu: sự quấy khóc của bé biến mất, bé ngoan ngoãn trở lại.

Dù khoa học thì chưa khẳng định tính hiệu quả hay giải thích hiện tượng đốt phong long cho em bé. Nhưng những người sùng cách này thì có nhiều cách giải thích khác nhau. Người thì cho rằng đốt phong long sẽ giải được vía nặng của người đến thăm. Người lại cho rằng trường sinh học của người đến thăm nặng vía không hợp với bé, nên đốt lửa là để khử vía nặng đó.

Giữa dân gian và khoa học hiện đại vẫn đang có mối liên kết với nhau. Bỏ qua những vấn đề mê tín, nếu thấy bé khóc ngằn ngặt, bạn nên xem bé có nóng sốt, đau bụng hay cảm gì không. Nếu bé vẫn khóc không rõ lý do, nên vận dụng cách mà dân gian dạy, coi như một liều “trị liệu” tinh thần cho cả mẹ và bé cùng yên tâm.
<br style="font-weight: bold;">4 cách dỗ bé nín khóc

Vuốt ve bàn chân của bé: Hãy bồng bé lên và vuốt ve bàn chân bé. Xúc giác của bé là một trong những giác quan phát triển cao nhất từ khi bé vừa mở mắt chào đời, vì thế không có vị trí nào lý tưởng bằng bàn chân để dỗ bé mau nín. Khi được vuốt ve, những dây thần kinh cuối cùng của bàn chân bé có tác dụng kích thích làm cho bé bớt khóc. Tuy nhiên, bạn nên vuốt ve chân bé một cách nhẹ nhàng để tránh làm cho bé bị nhột.
<br style="font-style: italic;">Ôm ấp bé: Những chuyển động lặp lại và nhịp nhàng giống như bé đang nằm trong nôi, sẽ làm bé nín khóc. Điều này có nghĩa là bạn biết “đi trước bé một bước” để thỏa mãn được nhu cầu vỗ về yêu thương.

Chơi cùng bé: Nếu bé yêu của bạn khóc lóc vì chứng đầy hơi, hãy đặt bé nằm trên giường, ngẩng mặt lên và kẹp nhẹ bé nằm vào giữa hai chân đang duỗi thẳng ra của mình. Sau đó, nhẹ nhàng nâng hai chân của bé lên và di chuyển theo chiều giống như tư thế đạp xe đạp.

Những âm thanh dịu nhẹ: Thì thầm những lời dỗ dành bé bằng một giọng thấp, êm ái. Ngâm nga hoặc ậm ừ một vài bài hát quen thuộc mà bạn thích như một điệu ru con, hoặc những bài hát có giai điệu nhẹ nhàng. Thu âm những âm thanh của máy rửa chén, máy giặt, máy hút bụi hoặc máy vắt quần áo và cho bé của bạn nghe những âm thanh sột soạt, lách cách ấy. Những tiếng động nhẹ phát ra từ cái quạt hay máy sưởi trong phòng có thể thu hút sự chú ý của bé và làm bé nín khóc. Một cách khác là bật những bản nhạc nhẹ nhàng, như nhạc cổ điển, nhạc jazz, nhạc dân gian hoặc đồng quê có tác dịu xoa dịu tinh thần rất tốt.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn