Chăm bé sơ sinh là việc không hề dễ dàng, nhất là với những chị em lần đầu làm mẹ. Chăm sóc cuống rốn như thế nào, vệ sinh bé ra sao, rồi cho con bú đúng cách… Quá trình làm mẹ đòi hỏi bạn phải thật khéo léo và kiên trì. Dưới đây là một số kiến thức về cách chăm bé sơ sinh trong những tháng đầu đời.
1. Chăm sóc cuống rốn
Muốn cho cuống rốn khỏi bị nhiễm trùng sau khi cắt, cần giữ sạch và khô. Cuống rốn càng khô càng mau rụng. Vì lẽ đó, không nên băng quanh bụng trẻ lại và nếu muốn băng, thì nên băng lỏng thôi.
2. Chăm sóc mắt
Nhúng bông gòn sạch vào nước muối ấm, vệ sinh mắt cho bé, lau thật nhẹ nhàng theo chiều từ đầu mắt ra đuôi mắt. Một ngày vệ sinh mắt cho bé 2-3 lần hoặc lau nhẹ bất cứ khi nào ghèn xuất hiện.
Ngoài ra, để tránh các bệnh về mắt cho trẻ sơ sinh, bạn nên rửa mặt cho trẻ sơ sinh (kéo dài đến hết 6 tháng tuổi) bằng nước đun sôi để nguội, lau mắt bằng nước ấm với lượng muối pha loãng. Giặt khăn mặt của trẻ phơi ngoài nắng, không dùng khăn mặt của bé để vệ sinh các vùng cơ thể khác.
3. Giữ ấm cho trẻ nhưng đừng nóng quá
Giai đoạn 1 tuần tuổi, chân và tay bé có biểu hiện xanh xao và hơi tái. Nguyên nhân chính là do hệ thống tuần hoàn của bé chưa hoàn thiện chứ không phải là do bé quá lạnh. Để nhận biết bé có lạnh hay không, mẹ có thể sờ mu bàn tay mình vào gáy bé hoặc cặp nhiệt độ cho bé.
Với tiết trời lạnh, mẹ có thể mặc quần áo ấm, đội mũ đồng thời không quên quấn thêm chiếc khăn mỏng bên ngoài khi cho bé bú. Nếu trời ấm hơn, mẹ có thể cởi bỏ mũ hoặc tháo chăn quấn bên ngoài cho bé. Mẹ cũng nên thường xuyên kiểm tra để thay tã cho bé phòng trường hợp bé bị nhiễm lạnh.
4. Giữ vệ sinh cho bé
Điều quan trọng là phải làm đúng những chỉ dẫn về vệ sinh cho bé. Mẹ cần chú ý đặc biệt những điểm sau:
- Mỗi khi tã lót hay chăn chiếu của trẻ bị ướt hay bẩn, phải thay ngay. Nếu da trẻ bị đỏ, phải thay tã lót luôn hoặc tốt hơn cứ nên để bé “ ở truồng” cho khô thoáng.
- Nếu nhà có muỗi hay ruồi, buông màn cho trẻ nằm, có thể che bằng vải mỏng.
- Người bị lở loét, cảm cúm, viêm họng, lao hay bị bệnh nhiễm trùng khác không được bế hay đến gần trẻ.
- Đừng để trẻ ở nơi có khói và bụi.
- Sau khi rụng rốn, tắm cho trẻ đúng cách bằng sữa tắm dành riêng cho bé.
5. Cho bé bú
Sữa mẹ chứa đủ chất cần thiết của trẻ hơn bất kỳ thứ sữa nào khác, dù là sữa tươi, sữa bột hay sữa hộp.
- Sữa mẹ sạch. Khi cho trẻ ăn các thức ăn khác là khi đổ vào bình thì khó mà giữ bình được sạch, nên dễ sinh tiêu chảy và các bệnh khác .
- Nhiệt độ của sữa mẹ bao giờ cũng vừa phải.
- Sữa mẹ có sẵn kháng thể giúp trẻ chống lại một số bệnh như sởi, bại liệt…
- Sau khi sinh, mẹ nên cho con bú ngay. Những ngày đầu, sữa mẹ thường rất ít. Đó là bình thường, không nên thấy thế mà cho trẻ uống sữa bằng bình mà phải cho trẻ bú mẹ nhiều lần. Trẻ bú nhiều lần, sữa sẽ ra nhiều hơn.
- Mẹ nên cho con bú hoàn toàn sữa mẹ từ 4-6 tháng đầu, sau đó vẫn cho bú kết hợp cho ăn thêm các thức ăn bổ sung khác.
6. Cẩn thận khi dùng thuốc cho trẻ sơ sinh
Đối với trẻ sơ sinh, dùng thuốc tùy tiện rất nguy hiểm. Mẹ chỉ được dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và cũng chỉ dùng trong trường hợp hết sức cần thiết. Phải đảm bảo dùng đúng liều lượng và không được dùng quá nhiều.
7. Cần dỗ ngay khi bé khóc
Chỉ cần thấy bé có “triệu chứng” muốn khóc như mếu máo, nhăn nhó, ọ ẹ khó chịu… , mẹ nên kịp thời dỗ dành ngay để bé sớm bình tâm. Đừng bao giờ thi gan với những cơn khóc của con nhằm mục đích rèn rũa, sẽ gây tổn hại hệ thần kinh của bé.
8. Bế ẵm bé
Đừng để bé bị sốc khi vừa lọt lòng mẹ. Hãy giữ cho cảm giác ấm áp và an lành. Bế ẵm bé sơ sinh không đơn thuần là đem thêm hơi ấm, mà thực sự cần cho sự phát triển của não bộ cũng như các cơ quan khác trong cơ thể bé. Bế ẵm còn là liệu pháp tốt khi bé bị đau bụng, khó ngủ hay đang xúc động. Bởi vậy mẹ đừng quên bế ẵm bé mỗi khi có thể nhé!
9. Ngủ chung với bé
Sự hiện diện của mẹ đem lại cho bé cảm giác an toàn trong giấc ngủ. Nhờ thế hơi thở của bé được bình ổn và đây chính là yếu tố giúp phòng ngừa hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ. Ngủ cùng nhau, bé còn có nhiều cơ hội để ti mẹ về đêm, đảm bảo được cung cấp lượng đường lacto đầy đủ và cân nặng sẽ tăng đều.
10. Hãy hát ru bé ngủ
Lời ru không chỉ giúp bé phát triển thính giác mà còn có tác dụng cân bằng hệ thần kinh của bé. Ngoài ra, khi hát ru bản thân người mẹ cũng cảm thấy được thư thái hơn.
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn