(Tạp Chí Bầu) Một trong những vấn đề khiến cha mẹ đau đầu và mất nhiều thời gian nhất là việc ăn uống của trẻ, nhất là với các bé biếng ăn. Để mỗi bữa ăn không trở thành “cuộc chiến” giữa mẹ và bé, hãy lắng nghe những bí quyết chia sẻ dưới đây của các bà mẹ.
* Thanh Hà (Thời báo Doanh Nhân Việt Nam): Nói chung, bé nhà mình ăn ít nhưng không chán ăn. Thấy ai ăn gì là mắt nhìn hau háu và miệng thì tóp tép. Lúc 7 tháng, luộc cà rốt hay su su, bé cầm cả miếng to ăn. Tuy không bụ bẫm quá, nhưng con mình cũng không thuộc dạng còi. Bà nội thường nhắc nhở là phải cho con ăn nhiều để cháu mới có thể chóng lớn, nhưng mình vẫn giữ “lập trường” ngay từ đầu. Vì ăn nhiều mà không hấp thụ hết, dạ dày sẽ làm việc quá sức và dễ dẫn đến còi cọc ngược trở lại. Nếu bé ăn ít hơn mà vẫn hấp thụ tốt thì vẫn tăng cân đều. Mỗi lần cho ăn, thấy con muốn ăn và vui vẻ ăn là mình mãn nguyện lắm rồi! Các mẹ thường nghĩ, con ăn ít thì khó mà lớn được, nên cứ ép con ăn. Như vậy, sẽ khiến bé sợ ăn và đâm ra chán ăn. Vì vậy, các mẹ nên “quán triệt” tư tưởng này, ngay từ khi bắt đầu cho con ăn dặm nhé!
* Ngọc Hà (Vạn Bảo, Vạn Phúc, Hà Nội):Mình tìm hiểu được nhiều cách cho con ăn dặm. Tất cả đều khuyên rằng, đừng nên quát mắng và đừng ép con ăn, nên đã làm theo ngay từ đầu. Bé nhà mình nay 11 tháng, đã ăn được cháo đặc. Tuy không mập mạp, nhưng bé khỏe và không biếng ăn. Các mẹ có con biếng ăn, có thể thử áp dụng cách này của mình: Cho con ăn đúng bữa, mỗi bữa chỉ kéo dài khoảng 30 phút, ngưng ngay dù bé mới chỉ ăn được một muỗng. Khi bé khóc, thét, nhất định không được gượng ép. Bữa tiếp theo, thời gian ăn có thể rút ngắn hơn nếu bữa trước bé ăn ít hoặc không ăn. Khi cho ăn, cần tạo không khí vui vẻ, nói chuyện để bé tập trung hơn. Nếu bé không chịu ăn bột loãng, thử cho bé ăn bột đặc hay cháo loãng, cháo đặc (mua sẵn ở ngoài). Tuyệt đối, bạn không được la mắng, đánh hay làm con khóc lúc cho ăn.
* Bích Hạnh (Cty Xây dựng Hồ Tây, Hà Nội): Chồng mình là người nước ngoài, nên sau nhiều tháng sang sinh sống ở Đức, mình thấy cách giáo dục của các bà mẹ ở đây rất nghiêm khắc, nhất là về việc ăn uống của con. Họ không bao giờ ép con ăn, hay khi trẻ không muốn ăn thì người mẹ sẵn sàng bỏ hết phần ăn ấy đi. Đến lúc đói và đòi ăn, bé cũng không thể được ăn luôn, mà phải đợi đến giờ mới được ăn. Vì thế, trẻ em ở đây không những ăn uống đúng giờ mà còn rất nghiêm túc “hợp tác” khi ăn. Đối với con mình, Tuy không học tập 100% giống các bà mẹ Đức, nhưng mình cũng áp dụng 3 không đối với con mình khi cho ăn, đó là: không ti vi, không đi rong, không đồ chơi. Nguyên tắc “3 không” này cần thực hiện nghiêm túc ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Nếu trẻ chưa từng được vừa ăn vừa xem ti vi, chơi đồ chơi hay được đi rong thì chẳng bao giờ chúng đòi hỏi phải như thế. Tất cả, đều do người lớn tạo nên thói quen cho trẻ mà thôi.
* Hoài Thu (Trường THCS Quang Trung, Tp.Thanh Hóa):Con mình hiện tại 19 tháng, cao 86cm, nặng 12,3kg. Giai đoạn từ 7 - 12 tháng, các bé đang bắt đầu tập ăn và chưa biết cách ăn, nên đòi hỏi bạn cần phải kiên nhẫn khi cho bé ăn. Không được la mắng con và lúc nào cũng tạo ra không khí vui vẻ. Lúc đầu, bé nhà mình rất biếng ăn và cũng chẳng chịu bú. Thay vì mình ép bé ăn, mình tìm cách khuyến khích con. Mình chia bữa ăn làm nhiều lần trong ngày và thường xuyên thay đổi các món (cháo, phở, bún). Mỗi bữa cho con ăn, chỉ kéo dài trong vòng 30 phút, không hết thì bỏ (nên nấu ít). Bữa phụ, mình “dụ” cho bé ăn trái cây hoặc uống sữa. Bé nhà mình cứ khóc hay ho một chút là dễ bị ói, nên mình không bao giờ ép ăn và cũng tránh để con khóc khi ăn.
* Hải Yến (Hà Đông, Hà Nội):Con mình cũng thuộc dạng rất biếng ăn. Nhưng sau khi tham khảo bác sĩ dinh dưỡng, mình quyết định đổi mới cách cho con ăn. Thay vì cố “tọng” thức ăn vào miệng bé, mình để con tùy nghi chọn món ưa thích. Khi bé không muốn ăn nữa, mình cũng không ép. Để con có cảm hứng ăn uống, mình cho bé ngồi cùng bàn với gia đình và tích cực cải thiện chất lượng món ăn, màu sắc các dụng cụ ăn, để kích thích các giác quan của bé. Không ngờ, “chiêu” này đơn giản nhưng lại phát huy tác dụng đáng kể. Hiện cứ đến mỗi bữa ăn, con gái lại lại líu lo “giờ ăn đến rồi!” và vui vẻ ngồi vào bàn. Vui nhất là bé có thể ăn được đồ ăn chung của gia đình. Mình không còn phải nhọc công làm đồ ăn riêng nữa!
Ý kiến chuyên gia
Theo chuyên gia dinh dưỡng - TS Cao Thị Hậu (Nguyên GĐ TT Truyền thông giáo dục dinh dưỡng), hầu hết trẻ biếng ăn là do sai lầm về phương pháp nuôi dưỡng. Chẳng hạn, trẻ ăn uống không đúng độ tuổi, ăn không căn cứ vào nhu cầu mà cứ tùy tiện hoặc theo một thời gian biểu quá chặt chẽ, thiếu kiến thức về chế biến thức ăn. Trẻ sẽ ăn một lượng thức ăn phù hợp với khả năng hấp thu của bản thân, nên mọi sự ép buộc đều có thể dẫn tới tác động ngược lại mà bản thân cha mẹ không thể xác định được. Vì thế trong mọi trường hợp, không nên bắt ép trẻ ăn, bởi điều này còn nguy hiểm hơn là sự suy dinh dưỡng. Bạn cũng không nên cho trẻ “giải trí” trong bữa ăn (vừa ăn vừa xem tivi, đọc sách hay chơi đồ chơi). Khi bị phân tâm, trẻ sẽ không chú ý đến các dấu hiệu đói và no từ chính cơ thể của mình. Nguyên tắc cơ bản của việc cho bé ăn là cha mẹ cần quyết định 3 vấn đề: khi nào ăn, ăn gì và ăn tại đâu? Còn trẻ sẽ quyết định là ăn bao nhiêu. Đặc biệt, bạn nên cho bé ăn vào những thời điểm cố định trong ngày (3 bữa ăn chính + bữa snack). Thời gian ăn khoảng từ 15 - 30 phút. Nếu quá thời gian này mà bé chưa ăn xong, nên chấm dứt bữa ăn và cho bé ăn bù khi đói.
Tường Lâm
Tạp Chí Bầu Số 54, 10/11/2013
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn