Tã bẩn ư? Phải rồi! Những đêm thức trắng à? Tất nhiên! Thế còn mụn nhọt trên da bé hay đầu bé hình như hơi nhọn thay vì tròn xoe? Ồ, không ai nói với bạn về những điều đó sao? Vậy thì đây, hãy chuẩn bị cho những bất ngờ "lạ lùng" mà bạn có thể gặp phải với em bé mới sinh của mình, mà có thể mọi người đã quên "mách" cho bạn trước khi em bé ra đời.






"Đầu con tôi trông cứ sao sao ấy."

Chắc bạn đã hình dung đầu em bé trông thật tròn trịa, xinh xắn và hồng hào? Nếu đầu của con bạn trông hơi lạ và hơi có chóp, đó là vì đầu bé có thể đã phải trải qua nhiều giờ len qua xương chậu của bạn trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Cấu trúc hở của hộp sọ cho phép đầu bé có thể phần nào linh hoạt điều chỉnh hình dạng để có thể chui lọt qua khe sinh, giúp bảo vệ hộp sọ của bé khỏi bị nứt vỡ và não bé khỏi bị tổn thương trong quá trình sinh tự nhiên.

Một số "tì vết" khác cũng có thể tồn tại trên cơ thể bé như những vết tích tạm thời của quá trình sinh nở. Chẳng hạn, cách mũi của bé có thể hơi xẹp một chút; chất lỏng dưới da khiến mắt bé trông như đang sưng. Bé thậm chí còn có cả những vết bầm nhỏ trên người nếu trong quá trình sinh bác sĩ sử dụng các dụng cụ kẹp và nong để có thể lấy bé ra. Nhưng đừng lo, rồi bé sẽ xinh đẹp như thiên thần sớm thôi mà.

"Con tôi cứ run rẩy và giật mình suốt."

Sau nhiều tháng được bao bọc trong túi nước ấm áp trong bụng mẹ, em bé sơ sinh giờ đây có hẳn một thế giới rộng lớn để mà vẫy vùng, không có gì bó buộc bé nữa. Bé mới đầu sẽ không giỏi lắm với việc kiểm soát cơ thể mình trong môi trường mới, cho nên nhiều khi bé chỉ định ngọ nguậy tay một tí thôi mà cũng có thể thành ra một cú giật tay rồi. Trẻ sơ sinh cũng được sinh ra với phản xạ Moro - phản xạ giật mình. Khi bé cảm thấy như bị tuột, bị ngã hay giật mình, bé sẽ bất thình lình vung tay, xoè ngón tay, oằn mình, quay đầu, và nhanh chóng thu tay về. Phản xạ này sẽ mất đi khi sau 3 tháng đầu đời.

Hệ thần kinh của bé vẫn đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện nên cũng sẽ gửi đi nhiều xung điện đến các cơ bắp hơn mức cần thiết, điều này có thể khiến bạn thấy cằm và chân bé cứ run rẩy. Khi mọi thứ đã được tổ chức tốt hơn sau một vài tuần đầu, bé sẽ bớt run. Sự run rẩy này không đáng lo, nhưng bạn hãy cho con đi khám nếu thấy bé run theo từng cơn, có nhịp điệu hoặc nếu vẫn run bần bật khi bạn chạm vào người và giữ bé.

"'Súng ống' của con tôi to quá."

Trước khi chồng bạn vênh vang về "súng ống" hoành tráng của con trai, anh ấy nên biết rằng đó chẳng phải là đặc điểm di truyền gì cả, và cũng chẳng có "siêu năng lực đàn ông" nào quy định kích cỡ của "cậu bé" cả. Thực tế đó là sự sưng tấy gây ra do quá trình sinh nở cũng như sự tích nước trong các mô phần sinh dục của bé. Bên cạnh đó, khi mới sinh ra, cơ thể bé vẫn còn nội tiết tố của mẹ. Ở bé trai, nội tiết tố nữ khiến cho tinh hoàn nở lớn, còn ở bé gái, chúng khiến cho môi âm hộ của bé sưng lên. Sự sưng tấy bộ phận sinh dục sẽ mất đi sau vài ngày.

"Con tôi lúc nào cũng đói."

Trong tuần đầu sau sinh, bạn sẽ cảm thấy phải cho bé ăn mỗi giờ. Nhu cầu ăn thường xuyên của bé cũng là cách tự nhiên thúc đẩy nguồn sữa của bạn bắt kịp nhu cầu dinh dưỡng để phát triển của bé. Các em bé bú mẹ cũng có xu hướng ăn nhiều hơn bình thường, vì sữa mẹ được tiêu hoá nhanh hơn và hấp thu hoàn toàn so với sữa công thức.

Nguyên nhân chính của việc bé đòi ăn thường xuyên, tất nhiên, là do nhu cầu phát triển của bé là rất lớn. Bé sẽ tăng gấp đôi trọng lượng cơ thể sau 6 tháng đầu, đòi hỏi phải nạp vào cơ thể một lượng calorie cực lớn. Bé cũng có những giai đoạn nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt cao, đợt đầu tiên thường diễn ra vào khoảng 4-6 tuần tuổi. Nhưng bạn cũng cần phân biệt nhu cầu của con, không phải bất cứ lúc nào bé khóc quấy cũng là đòi ăn, đôi khi bé chỉ cần được bạn vỗ về và ôm ấp mà thôi. Nếu con đã được cho bú trong 2-3 giờ trở lại, hãy thử bế và ôm bé vào lòng để trấn an trước khi cuống cuồng cho con bú.

"Bàn tay và bàn chân con tôi quá lạnh."

Trước khi bạn vẩy chiếc nhiệt kế hoặc quấn kín mít con mình trong một chiếc chăn khác, hãy cảm nhận cơ thể của bé. Nếu bạn thấy thân mình con ấm và hồng hào, nhiều khả năng bé không bị nhiễm lạnh như bạn nghĩ. Do hệ tuần hoàn của bé vẫn đang hoàn thiện, máu được ưu tiên cung cấp đến các bộ phận quan trọng và cần thiết nhất cho sự sống nằm ở phần thân mình bé. Bàn tay và bàn chân là bộ phận cuối cùng mà máu được cung cấp đến. Bé có thể cần đến 3 tháng để hệ tuần hoàn nhỏ bé đáp ứng được hoàn toàn cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ, trong thời gian này, các ngón tay và ngón chân của bé có vẻ hơi lạnh và nhợt nhạt. Khi bé đã trở nên hiếu động hơn, tình hình sẽ được cải thiện.

"Trong tã của con tôi có lẫn máu."

Các hormone nội tiết của mẹ khiến tinh hoàn và âm hộ của bé sưng lên cũng là nguyên nhân của chất tiết âm đạo lẫn máu ở một số bé gái. Đừng lo lắng nếu bạn thấy một vệt máu nhỏ hoặc một đốm bẩn trong tã của bé trong những tuần đầu. Kỳ kinh nguyệt tí ti này thường chỉ kéo dài trong vài ngày. Đôi khi, thứ mà bạn tưởng là máu có thể là một vệt nước tiểu cô đặc tối màu ở các nếp gấp của tã. Dù vậy, vệt máu đỏ tươi là không bình thường và bé cần được theo dõi y tế.
"Môi con tôi có một vết phồng rộp!"

Nhiều bé sơ sinh có một nốt sần hoặc rộp trên môi do động tác mút khá mạnh của bé khi bú (cả bú mẹ lẫn bú bình). Trong một số trường hợp, bé mới ra đời đã có nốt rộp trên môi, và đây là kết quả của việc bé mút tay khi còn trong bụng mẹ. Nốt rộp này không gây khó chịu gì cho bé nên bạn cứ yên tâm nhé. Trên thực tế, nếp da này gia cố cho môi bé và giúp bé ngậm vú dễ dàng hơn, nếp da này sẽ tự biến mất sau vài tháng.

"Con tôi đi phân lỏng như tiêu chảy!"

Trẻ bú mẹ thường đi phân lỏng, không thành hình và có màu vàng mù tạt trong khi trẻ bú sữa công thức thường đi phân rắn và có màu sẫm hơn; một số bé đi tiêu cả chục lần mỗi ngày, trong khi những bé khác chỉ đi vài lần mỗi tuần. Miễn là bé vẫn tăng cân đúng chuẩn, không có dấu hiệu đau bụng và đầy hơi, tần suất đi tiêu của bé vẫn có thể được xem là ổn.

Đối với em bé trong tuổi sơ sinh, thật khó để phân biệt giữa đi tiêu bình thường và tiêu chảy, nhất là khi bạn vẫn đang cho con bú. Các em bé bú mẹ thường đi tiêu sau mỗi lần bú (đó là phản xạ dạ dày bài tiết, tức là bất cứ khi nào sữa đưa vào dạ dày thì hệ tiêu hoá của bé đều sẽ tiến hành bài tiết để cân bằng lượng vào và ra). Phân của các bé cũng thường lỏng hơn. Bạn hãy làm quen với điều này và xác định được đâu là "chuẩn" bình thường của bé. Nếu "chuẩn" này bỗng nhiên thay đổi, đó là lúc bạn cần cho bé đi khám.

"Con tôi cứ hắt hơi suốt!"

Trẻ sơ sinh hắt hơi rất nhiều nhưng không phải do bị cảm hoặc bệnh. Đó là cách đơn giản để bé làm sạch đường hô hấp của mình và tống khứ các hạt bụi bám vào đường thở, hắt hơi cũng giúp mở lại một cánh mũi bị khép tạm thời. Khi bà mẹ cho con bú, một bên lỗ mũi của bé có thể bị ép vào vú mẹ và xẹp lại, sau khi bú xong, bé sẽ dùng hơi thở hoặc cú hắt hơi của mình để làm phồng nó lên.

"Da con tôi khô và bong tróc!"

Trong môi trường nước ối của bào thai, da bé được bảo vệ rất tốt nhờ một lớp bã nhờn màu trắng tựa như sáp. Nhưng một khi bé tiếp xúc với không khí và lớp bã nhờn này bong đi, lớp da trên cùng sẽ khô và bắt đầu bong tróc, bé có thể bị tróc da cả người nhưng thường dễ thấy nhất là ở bàn chân và bàn tay. Bạn đừng cố bóc những vảy da này của bé vì có thể bóc phải chỗ da chưa đủ tróc và sẽ làm tổn thương da bé. Việc dưỡng da cho bé lúc này cũng không cần thiết. Sự bong tróc này sẽ chỉ tồn tại trong 1-2 tuần đầu mà thôi.

"Hơi thở của con tôi bất thường!"

Như tất cả những người mới làm cha mẹ, bạn hẳn tối nào cũng đều cúi xuống cũi của con để đảm bảo bé yêu vẫn thở đều. Và rồi bạn phát hoảng lên khi thấy nhịp thở của con nghe không bình thường chút nào. Nhưng thường thì việc trẻ sơ sinh thở đứt quãng rồi sau đó thở nhanh lại là chuyện bình thường. Đôi khi, hiện tượng thở đứt quãng là một phần của sự phát triển cơ hoành (cơ điều khiển thao tác hít thở) và hệ thần kinh của bé, bé ngưng thở dưới 20 giây được xem là bình thường. Đến khoảng 6 tuần tuổi, bé mới ổn định được nhịp thở của mình.

Tất nhiên là bạn lo lắng về khả năng trẻ đột tử trong lúc ngủ (SIDS), và điều này là hoàn toàn đúng. Hãy đặt con nằm ngửa, cất tất cả đồ chơi, gối ra khỏi cũi và không hút thuốc, nếu con ngưng thở trên 20 giây và chuyển sang tím tái, hãy gọi cấp cứu ngay.

"Tôi không phân biệt được nhu cầu của con qua tiếng khóc!"

Bạn nghe nói người mẹ có thể hiểu được khi nào con đói, mệt hay cần được thay tã qua tiếng khóc của bé. Nhưng nếu bạn vẫn chưa thể hiểu được ngôn ngữ đầu tiên này của bé thì cũng đừng lo lắng. Theo thời gian, rồi bạn sẽ nhận ra rằng bé thường gào to hơn khi đau và có vẻ ỉ ôi rên rỉ khi đang mệt, tiếng khóc đòi bú thường sẽ hạ thấp và quãng giữa, mặc dù một số bé thường khóc đứt quãng (và to) khi muốn được bú ngay lập tức. Trong những ngày đầu tiên sau sinh, việc bé khóc vì cái gì cũng không phải là vấn đề to tát lắm (có khi bé khóc chẳng vì lý do gì cả). Thay vì cuống hết cả lên, bạn hãy dỗ dành con thật tình cảm và bình tĩnh kiểm tra các nhu cầu của bé, đó là điều mà các em bé cần nhất.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn