Hãy nhìn toàn bộ chặng đường mà một đứa trẻ trải qua trong những tháng đầu đời. Bắt đầu từ một sinh linh trong nước với nguồn thức ăn và oxy được truyền trực tiếp vào cơ thể, giờ đây bé phải thích nghi với cuộc sống bên ngoài với việc học ăn, học thở bằng cơ thể mình.





Bé cũng phải tập gắn kết với mẹ và bố - những người bé cần nhất, không chỉ để tồn tại mà còn để học hỏi và lớn lên.

Từ sơ sinh đến 1 tháng tuổi

Cơ thể

Nếu được sinh ra đủ tháng, cơ thể bé sẽ cuộn tròn lại giống như khi đang nằm trong bụng mẹ do vẫn quen "bị ép" trong không gian hẹp của tử cung trong những ngày tháng cuối của thai kỳ, các dây chằng và khớp chưa thể ngay tức thì nới lỏng ra. (Ngược lại, các bé sinh non lại nằm duỗi thẳng trên mặt phẳng ngay khi sinh ra.) Những cử động thông thường và trọng lực sẽ giúp kéo dài và mô cơ và nới lỏng các khớp.

Trẻ sơ sinh có trương lực cơ rất yếu, vì vậy cơ thể có xu hướng mềm như một con búp bê vải. Điều này cũng có nghĩa rằng các cơ ở cổ bé chưa thể kiểm soát, thậm chí giữ được đầu của bé - lúc này có tỉ lệ tương quan khá lớn với cơ thể bé so với người lớn. Chính vì vậy, bạn cần đỡ nhẹ nhàng đầu con khi bế bé lên để tránh não bé bị va đập mạnh bên trong hộp sọ. Nếu bạn đặt bé sơ sinh nằm sấp, bé cũng không thể tự nhấc đầu mình lên khỏi mặt giường hoặc sàn nhà.

Dù vậy, nếu chăn nệm cản không khí đến mũi của bé, bé sẽ tự động quay mặt sang một phía. Đây chỉ là một ví dụ về một vài phản xạ nguyên thủy – một loại "phần mềm" kiểm soát hầu hết các chuyển động của bé cho đến khi các liên kết trong não bộ và hệ thần kinh của bé trở nên tinh vi hơn. Một vài ví dụ khác:

Vuốt nhẹ ngón tay lên má bé để giúp kích thích các rễ phản xạ. Khuôn mặt của bé sẽ phản ứng lại sự tiếp xúc của bạn, dường như là để tìm kiếm núm vú mẹ.
Đặt một vật an toàn vào miệng bé để kích thích phản xạ bú mút.
Bé sẽ quay đầu về phía phát ra âm thanh.
Một tiếng động hay chuyển động đột ngột có thể khiến bé giật mình, thình lình giật tay và chân, sau đó quắp tay chân lại như thể đang bắt lấy một quả bóng to. Bố mẹ cũng thường hay giật mình với những phản xạ tương tự.
Bé cũng sẽ nắm tay lại khi bạn luồn một ngón tay vào lòng bàn tay của bé.

Đôi lúc, có lẽ do những trục trặc nhỏ trong “chương trình” sinh học, một đứa trẻ sơ sinh có thể có những cú giật mình đơn lẻ hoặc những cử động bồn chồn khiến bố mẹ lầm tưởng với tật máy giật hoặc chứng co giật thể nhẹ. Phần lớn những trường hợp này là bình thường; nếu cơn co giật của bé chấm dứt khi bạn giữ phần cơ thể bị ảnh hưởng thì chẳng có vấn đề gì phải lo lắng cả.

Giác quan

Một số giác quan đã phát triển khi bé được sinh ra; chẳng hạn, trẻ sơ sinh phản ứng với mùi hôi rất giống với cách người lớn chúng ta phản ứng. Tuy trải nghiệm vị giác đầu tiên của bé là việc nhấm nháp tí ti nước muối (nước ối), bé được sinh ra bẩm sinh ưa ngọt với hương vị yêu thích chính là sữa mẹ.

Trẻ sơ sinh cũng có thể nghe – trên thực tế, bé đã “nghe lỏm” được thế giới bên ngoài bụng mẹ được 3 tháng rồi cơ đấy. Tuy nhiên, khả năng nghe của bé không nhạy bằng người lớn, trẻ sơ sinh không nghe được các âm có tần số thấp và cũng không phải là quá nhạy với những âm thanh nhỏ như tiếng thì thầm. Có thể nói là bé hơi “lãng tai” một chút nên bạn không nhất thiết phải đi đứng rón rén vì sợ đánh thức bé đâu. Bé có thể nghe được âm thanh bổng tốt hơn là âm thấp và trầm.

Thị giác là giác quan kém phát triển nhất khi bé mới ra đời. Thị lực của trẻ sơ sinh rất mờ mịt với độ sắc nét chỉ bằng 1/40 thị lực người trưởng thành bình thường. Lúc này hai mắt của bé cũng chưa tìm được cách hoạt động phối hợp với nhau nên bé dường như sẽ thấy những hình ảnh chập đôi so với một hình ảnh đơn nhất. Hiện tượng lé (hay còn gọi là lác hoặc hiếng) là khá phổ biến trong khoảng 1-2 tháng đầu đời.

Bé chỉ có thể nhìn rõ nhất trong khoảng cách từ 20-25cm (tương đương với khoảng cách từ mặt bé đến khuôn mặt của mẹ khi mẹ cho bé bú), và có thể nhìn tốt nhất các hình ảnh có độ tương phản rõ nét như các sọc đen trắng và đường nét mái tóc của bạn.

Trong khi thị giác đang tiếp tục hoàn thiện, bé có thể nhìn màu lá cây ra màu đỏ cũng như không thể phân biệt được giữa màu xám với xanh biển hay vàng với đỏ. Bé cũng không thể nhìn được toàn cảnh – khi nhìn vào một thứ gì đó, bé không thể bắt được hình ảnh của cả vật thể mà chỉ tập trung vào một chi tiết, như là một điểm trên mái tóc của bạn. Dù vậy, bé có thể dõi theo một vật thể chuyển động ngang qua tầm mắt trong một quãng ngắn và bất chợt.

Não bộ

Em bé của bạn vừa chào đời đã rất chú ý đến những người xung quanh nói chung và đặc biệt là bạn - mẹ yêu của bé. Mặc dù thị lực còn mờ ảo, bé cũng đã bị thu hút bởi những khuôn mặt và sẽ nhìn chằm chằm một cách thích thú khi bé yên lặng và tỉnh táo. Điều này có nghĩa là tình trạng tốt nhất để bé học hỏi và khám phá thế giới xung quanh chính là lúc bé tỉnh táo và thư giãn.

Một trong những điều bé yêu đang chú tâm ghi nhận nhất chính là về bạn. Bé bắt đầu ghi nhớ từng phần hình ảnh của bạn vào bộ nhớ; khi được vài ngày tuổi, bé sẽ nhìn những bức ảnh của mẹ lâu hơn ảnh của những người khác. Dù vậy, sự thể có thể thay đổi nếu mái tóc của mẹ bị che phủ hoặc thay đổi, vì vậy có lẽ bạn cũng nên cân nhắc việc thay đổi kiểu tóc trong mấy tháng đầu này.

Bé cũng có thể nhận biết được bạn theo nhiều cách khác. Vài ngày sau khi ra đời, bé sẽ nhận biết được và yêu thích mùi hương tự nhiên của bạn. Nghiên cứu cũng cho thấy thiên thần nhỏ này cũng đã nhận biết được giọng nói của bạn từ những ngày chưa sinh ra đời.

Trò chuyện và hát cho con nghe giúp thúc đẩy mối liên kết giữa hai mẹ con, và cũng giúp xoa dịu bé khi bé khó chịu (ôm ấp và đu đưa bé nhẹ nhàng cũng là một cách trấn an bé hiệu quả). Bạn không biết nói gì với bé ư? Hãy nói về những việc bạn đang làm, chẳng hạn “mẹ đang chuẩn bị thay tã cho con đây” hoặc thậm chí chia sẻ những cảm xúc vui buồn với bé bằng một giọng vui vẻ. Bé rõ ràng là không thể hiểu những gì bạn nói, nhưng sẽ nắm bắt được giọng điệu của bạn. Đó là lý do vì sao bố mẹ không nên tranh cãi khi có con ở cạnh, dù bé còn rất nhỏ để hiểu nhưng những âm thanh giận dữ của bố mẹ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và tính cách của bé.

Và bạn có tin không, bé đã bắt đầu cố giao tiếp với bạn từ rất sớm đấy. Trong khoảng từ 2 ngày tuổi đến 1 tháng tuổi, bé đã sử dụng tiếng kêu đặc biệt của mình để giao tiếp. Bé muốn nói: “Con đói,” “Con khó chịu” và “Bế con đi”... tất nhiên phải mất một thời gian ngắn nhưng nếu chú tâm, bạn sẽ học được ngôn ngữ đặc biệt này.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn