Các nghiên cứu khoa học nói rằng cách bố mẹ dỗ dành khi con khóc có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của bé. Những em bé sơ sinh được bố mẹ nhanh chóng dỗ dành một cách ấm áp và nhất quán về sau thường phát triển cảm xúc tốt hơn.






Phản ứng nhanh chóng, phù hợp và trước sau như một của bố mẹ cũng có thể tạo nên sự khác biệt trong cách thể hiện của bé ở trường và ở trong xã hội. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng những bé sơ sinh có bố mẹ không tinh tế, nhạy cảm, không hiểu cảm giác của bé sau này sẽ có những vấn đề hành vi.

Và cũng quan trọng như việc phản ứng yêu thương và nhanh chóng khi con khóc là bạn hãy ngăn không để con tiếp xúc với những giọng nói giận dữ, đáng sợ, những ngôn ngữ cơ thể mang tính tiêu cực, và việc bị bỏ lại một mình trong sự buồn rầu khổ sở. Tránh những tình huống căng thẳng như vậy cũng có thể giúp ích cho khả năng học hỏi và phát triển các mối quan hệ xã hội tích cực.

Và dưới đây là một số điều mà các chuyên gia khuyến khích các bậc phụ huynh nên lưu ý và thực hiện cho con mình:

Chạm vào con – Các nghiên cứu cho thấy khi đứa trẻ được ôm và tiếp xúc chạm da với mẹ, lượng hormone căng thẳng trong cơ thể bé giảm đi rõ rệt. Những cái chạm vào người kích thích sản sinh những hormone như oxytocin có tác dụng như “thuốc giảm đau” và làm dịu thần kinh tự nhiên, khiến bé mau chóng “phục hồi” lại được.

Chạm vào con là quan trọng, nhưng chạm như thế nào càng quan trọng hơn. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy rằng cái chạm phớt vào các em bé từ 2-6 tháng tuổi thậm chí có thể khiến các bé cảm thấy bực mình hơn đó nha, thay vào đó, bạn hãy chạm vào con mạnh vừa đủ, không quá đà khiến con bị đau nhưng cũng không hời hợt. Những cái chạm càng có tác dụng xoa dịu hơn khi đi kèm với các dạng tiếp xúc thân tình khác.

Ngôn ngữ cơ thể – Trẻ nhỏ bắt đầu nhận ra được các biểu cảm khuôn mặt từ rất sớm. Các nghiên cứu quy mô lớn được thực hiện cho thấy trẻ nhỏ thích nhìn các khuôn mặt hạnh phúc, và không hề thích các biểu cảm tiêu cực. Một nghiên cứu quan sát các bé 6 tháng tuổi thấy rằng các bé có thể phân biệt được giữa ngôn ngữ cơ thể hạnh phúc và giận dữ, nên những biểu cảm, thể hiện của người lớn xung quanh vào lúc này đã có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cảm xúc của bé về sau.

Chuyển động – Một nghiên cứu cho thấy các em bé có nhịp tim đập chậm lại, bớt khóc khi được người lớn vừa bế vừa đu đưa, lắc lư nhè nhẹ.

Sạch sẽ vừa phải – Người ta thấy rằng việc bị đánh thức khi đang ngủ để thay tã nhiều lần có thể khiến trẻ nhỏ căng thẳng. Thật là tiến thoái lưỡng nan, vậy bạn nên thay tã cho con hay để bé cứ ngủ với cái tã đã ướt đây? Một số nhà nghiên cứu đề nghị rằng trừ khi con bạn bị nhiễm trùng da, còn không thì không cần đánh thức một đứa bé đang ngủ dậy để thay tã thường xuyên làm gì.

Sự gần gũi – Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi ngủ chung phòng với bố mẹ. Làm như vậy sẽ bảo đảm bố mẹ có thể nhanh chóng xoay trở được khi con mình khó chịu hoặc gặp chuyện gì đó nguy hiểm, ngoài ra còn nhiều ích lợi khác. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng việc có bố mẹ ở gần vào ban đêm có thể giúp bé an tâm hơn và dễ dàng điều hòa lại những căng thẳng trong ngày.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn