Nuôi con nhỏ phải thật bình tĩnh, nhất là những ai lần đầu làm mẹ và nuôi con trong tháng đầu: đừng lo lắng quá rồi stress thêm; đừng cuống cuồng lên khi con có biểu hiện lạ, hãy bình tĩnh giải quyết. Rồi tất cả cũng trôi qua và tốt đẹp cả thôi: bạn sẽ là người mẹ thực sự.





Bao nhiêu độ là phù hợp?
Nuôi con trong tháng đầu tiên, thật là khó khăn. Bé nhỏ xíu, mỏng manh, nội chuyện nằm máy lạnh hay nằm quạt, làm sao cho con không nóng quá cũng đừng lạnh quá... cũng là một vấn đề rồi. Tốt nhất là mẹ nên để nhiệt độ phòng khoảng 28 độ. Mẹ nên mặc đồ kín chân tay cho con, vì con từ trong bụng mẹ vốn ấm áp, nay phải ra ngoài chưa hợp với không khí nên dễ bị lạnh. Khi con ngủ, mẹ chèn hai bên sườn cho con cảm giác chắc chắn, đỡ bị giật mình.

Con thức đêm ngủ ngày
Mẹ sẽ phải đối mặt với tình trạng đêm thức ngày ngủ của con. Tình trạng này rất phổ biến vì con chưa quen với bên ngoài. Mẹ sẽ rất mệt trong thời gian này, cho đến khi giờ giấc của con ổn định. Qua đến tháng thứ 3 thì con mới ăn ngủ đều đặn và tương đối thích hợp với thời gian biểu của mẹ. Tốt nhất, trong suốt thời gian “lệch múi giờ” này, mẹ nên tranh thủ ngủ bất cứ lúc nào có thể để đêm cho con bú và trông con. Nhiều mẹ tranh thủ khi con ngủ để làm chuyện này chuyện kia, đêm về lại chong chong thức trông con sẽ rất mất sức.

Con hay bị sặc sữa
Trẻ sơ sinh thi thoảng sẽ bị sặc sữa. Nhẹ thì trớ là xong, hoặc ho hắng một chút; nặng thì sữa xộc lên cả mũi làm con ngạt thở, mặt mũi đỏ gay khiến con cuống cuồng hoảng sợ. Lúc đó, mẹ nhanh chóng đỡ đầu con dậy, lau cho con và nhỏ mũi - hút mút để sữa không đóng lại ở khoang mũi. Mẹ lưu ý đừng mút mạnh quá khiến con sợ và không tốt cho niêm mạc mũi. Sau đó, mẹ nhớ nhỏ nước muối sinh lý cho con và dùng tăm bông vệ sinh lại.

Cảm sốt nhức đầu sổ mũi
Trẻ nhỏ sức đề kháng chưa ổn định nên rất dễ nhiễm bệnh. Để tránh việc này thì mẹ nên để con nằm ngủ ở nhiệt độ ấm áp, tránh gió, tránh tắm lâu con bị nhiễm lạnh. Nếu không may bé bị cảm sốt thì sẽ kéo dài đấy, mẹ phải kiên trì chữa dứt bệnh cho con. Mẹ nên cho con tắm nước ấm cách ngày, hoặc cẩn thận thì lau mình thôi, khi nào con khỏe hãy tắm. Mẹ cho con uống siro ho và tiêu đờm, uống thuốc cảm theo chỉ định của bác sĩ để con mau hết bệnh. Bệnh này rất kéo dài và hay tái phát nên nhất thiết mẹ phải chữa cho con đến nơi đến chốn hãy thôi, vì nếu ngưng giữa chừng con sẽ bị nhiễm lại.

Táo bón sơ sinh
Bé bú sữa mẹ cũng có thể bị táo bón sơ sinh như thường. Triệu chứng là con không đi ngoài từ 2 ngày trở lên. Nguyên nhân cũng vô chừng: do mẹ ăn uống ít rau quả, chất xơ, uống ít nước, do mẹ cho con bú sữa ngoài... Mẹ có thể giúp con thoát khỏi tình trạng táo bón này bằng cách: mẹ ăn nhiều hoa quả, rau xanh, uống nhiều nước. Con tốt nhất nên bú mẹ hoàn toàn. Nếu 3 ngày con không ị tí nào thì mẹ nên cho con đi bác sĩ và uống thuốc theo toa.

Dị ứng cơ địa
Da trẻ sơ sinh rất nhạy cảm nên hay bị dị ứng. Triệu chứng là da bé nổi mẩn, có khi nổi từng mảng da và bé ngứa ngáy, khó chịu, nóng trong người… Nguyên nhân có thể do mẹ tắm con bằng xà bông không thích hợp, do con tiếp xúc với cái gì đó mà da con nhạy cảm dễ bị dị ứng: vi dụ phấn hoa. Nếu gặp trường hợp này thì tốt nhất mẹ không nên trị dị ứng bằng cách tắm lá cho con mà chỉ tắm nước ấm, nước sạch, ngưng dùng xà bông và phấn. Mẹ giữ con sạch sẽ, thoáng mát (hạn chế dùng bỉm lại ở thời gian này). Sẽ mất khoảng một tuần để con hết dị ứng, nếu mẹ thấy lo lắng quá thì cho con đi khám và uống thuốc theo toa.

Bé bị nổi ban (sốt phát ban)
Triệu chứng của sốt phát ban là con sốt lai rai khoảng 2-3 ngày, sau đó nổi mụn đỏ nhỏ nhỏ hoặc da đỏ ửng từng vùng. Mẹ dùng tay ấn vào da rồi buông ra thì không hết vết đỏ (cách này phân biệt với các loại bệnh khác như tay chân miệng…). Thường thì bé nổi ban sẽ sốt 3 ngày và nổi 3 ngày, sau đó ban lặn. Lúc này, cho dù chưa biết con bị làm sao, dù con rất nóng nhưng mẹ đừng cho nằm máy lạnh vì máy lạnh làm ban không nổi hết mà lặn vào thì sau này con lại dễ tái phát. Mẹ nhớ trông chừng để con không gãi sứt mặt vì ngứa. Khi bị sốt phát ban, con sẽ quấy khóc, mẹ lấy nước ấm lau cho con, lưu ý là lau mình cho con bằng nước ấm để hạ sốt chứ không được dùng nước lạnh, nếu không con sẽ bị nhiễm lạnh gây viêm phổi. Bị sốt phát ban không kiêng gió, nước; mẹ cứ tắm cho con bình thường bằng nước ấm, nhưng nên tắm nhanh. Lưu ý không nên dùng dầu khuynh diệp bôi cho con khi con đang sốt và nổi ban. Sau khi hết sốt, con sẽ nổi ban và lúc này con đỡ quấy hơn.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn