-
Cẩn thận với bệnh thủy đậu ở trẻ em
Theo số liệu thống kê, từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm, bệnh thủy đậu (varicella; chickenpox) thường xuất hiện nhiều nhất. Trong dân gian, căn bệnh này còn được gọi là phỏng dạ, bỏng dạ, hoặc trái dạ.
Bệnh do vi-rút varicella zoster gây ra, có tính lây lan rất cao, mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh, trong đó đặc biệt là trẻ em từ 1 đến 6 tuổi. Thủy đậu không quá nguy hiểm, nhưng không phải không có những biến chứng nặng gây nguy hại đến tính mạng. Hơn nữa, vi-rút gây bệnh thủy đậu cũng chính là thủ phạm gây bệnh giời leo (zona), căn bệnh có thể được xem như một biến chứng muộn của thủy đậu. Bởi vậy, việc chữa trị triệt để bệnh lý này là hết sức cần thiết.
Sau một thời gian ủ bệnh chừng từ 14 đến 15 ngày thì bệnh phát. Trong nhiều trường hợp, trẻ vẫn ăn chơi bình thường làm cho người mẹ không để ý, đến khi đậu mọc mới biết hoặc tình cờ phát hiện được một vài nốt ở đầu khi gội đầu cho trẻ. Có khi trẻ sốt nhẹ, sổ mũi, biếng ăn, không chịu chơi, ngứa… Trẻ lớn có thể kêu đau mỏi các khớp rồi 2-3 ngày sau đậu mọc. Thoạt đầu là ban, nhìn giống ban sởi. Ban mọc khắp nơi, không theo một trình tự nhất định: Ban mọc nhiều ở da đầu, trong các kẽ chân tóc, vài giờ sau thành nốt phỏng. Nốt phỏng rất nông, có hình quả xoan, trông như giọt sương; nếu lấy hai ngón tay căng nốt phỏng ra, sẽ thấy mặt nốt phẳng nhăn lại. Đậu thường thưa. Các nốt đậu mọc rất nhanh và mọc làm nhiều đợt cách nhau 2 đến 3 ngày, do đó ở cùng một vùng da, có thể gặp đủ loại nốt đậu độ tuổi khác nhau: nốt to, nốt nhỏ, nốt đỏ, nốt phỏng, nốt đã đóng vẩy. Nếu bị bội nhiễm vi khuẩn, nốt đậu sẽ làm mủ, sưng to và rất ngứa làm trẻ gãi trầy da, để lại sẹo sâu.
Các chuyên gia trong lĩnh vực bệnh học cho rằng, khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh thường tiến triển lành tính: Đậu thường thưa, sức khỏe của trẻ ít thay đổi; đến ngày thứ 4 hoặc ngày thứ 6, nốt đậu đóng vẩy, vẩy có màu nâu sẫm. Một tuần sau vẩy bong và không để lại sẹo. Bệnh khỏi. Những trường hợp nặng, đậu mọc dày chi chít, tới hơn một nghìn nốt; đậu mọc cả ở niêm mạc miệng, kết mạc mắt rồi vỡ ngay. Người bệnh thường sốt cao 39 đến 40ºC, có người còn trằn trọc, mê sảng; nốt phỏng dày hơn có khi có máu. Nếu không được cứu chữa kịp thời, bệnh tiến triển nặng hơn và có thể tử vong.
Đối với phụ nữ có thai trong nửa đầu của thai kỳ nếu mắc thủy đậu thì não bộ… bào thai có thể bị dị dạng; nếu trước sinh một tuần lễ người mẹ bị thủy đậu, trẻ sinh ra có nguy cơ tử vong. Còn ở trẻ, nếu để gãi nhiều hoặc chăm sóc vệ sinh không chu đáo, nốt phỏng có thể bị bội nhiễm gây viêm da nặng, biến chứng viêm cầu thận cấp tính hoặc nhiễm khuẩn máu do vi khuẩn tụ cầu.
Các chuyên gia đưa ra khuyến cáo, thủy đậu vốn là một bệnh nhẹ, nhưng nếu không được phát hiện sớm, chăm sóc chu đáo, điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Cách chăm sóc trẻ khi bị thủy đậu: Thứ nhất, trẻ ốm phải được cách ly, theo dõi tại một cơ sở điều trị (trạm y tế xã, phường) trong suốt thời gian từ khi bệnh bắt đầu cho đến khi bong hết vẩy; trẻ ốm phải nghỉ học 7-10 ngày. Trước khi cho trở lại vườn trẻ, lớp học… nhớ tắm gội sạch vẩy. Những người chăm sóc trẻ ốm phải mang khẩu trang, tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng. Xong, phải rửa sạch tay bằng xà phòng. Áo quần, khăn mặt… người ốm cần được ngâm giặt bằng xà phòng, phơi nắng, là (ủi). Phụ nữ mang thai không được thăm nom hay chăm sóc… người bệnh. Thứ hai, giữ cho da của trẻ luôn luôn sạch sẽ: giữ sạch tay và cắt ngắn móng tay; trẻ nhỏ phải cho mang bao tay, xoa bột tan (talc) hoặc phấn rôm vô khuẩn khắp người để trẻ đỡ ngứa; tránh gãi vì gãi làm nốt phỏng bị vỡ, bội nhiễm vi khuẩn. Thứ ba, nhỏ mắt, mũi thuốc sát khuẩn chloramphenicol 4% 0 hoặc argyrol 1% (3-4 lần/ngày), kem acyclovir 3%. Thứ tư, hạ sốt bằng paracetamol (không được dùng aspirin). Thứ năm, bôi kem acyclovir 5% để giảm ngứa, hạn chế thương tổn và bội nhiễm. Thứ sáu, những trường hợp nặng, cho uống acyclovir. Thứ bảy, khi nốt phỏng vỡ, bôi thuốc xanh methylen để bớt nhức, làm se nốt, và ngừa bội nhiễm vi khuẩn; không được bôi mỡ tetracyclin, mỡ penicillin hay thuốc đỏ.
Biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, tránh căn bệnh này vẫn là tiêm vắc-xin phòng bệnh thủy đậu: Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: Tiêm một mũi duy nhất; Trẻ từ 13 tuổi trở lên và người lớn: Tiêm 2 mũi, mũi thứ hai cách mũi đầu 6 đến 10 tuần. Về lâu dài, tiêm phòng chính là biện pháp giúp mọi người chủ động phòng ngừa bệnh thủy đậu. Nhưng cần lưu ý, phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, sau khi tiêm vắc-xin cần áp dụng ngay một biện pháp tránh thai tin cậy trong vòng 3 tháng.
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn
Quyền viết bài
- Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
- Bạn Không thể Gửi trả lời
- Bạn Không thể Gửi file đính kèm
- Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
-
Nội quy - Quy định