Trong việc giáo dục con cái, cha mẹ có rất nhiều cơ hội để dạy con tự tập. Và không bao giờ là quá sớm để dạy bé đứng vững trên đôi chân của mình.





Tách khỏi mẹ và phát triển độc lập
Khoảng 6-7 tháng tuổi, bé ý thức được rằng bé khác với mẹ và mẹ có thể để bé lại một mình. Điều này có thể gây cho bé nỗi sợ hãi khi bị tách khỏi mẹ và đạt “đỉnh” ở năm 2 tuổi.
Khi bé hiểu được rằng có lúc mẹ không có mặt bên cạnh nhưng sẽ quay trở lại với bé, bé tiếp tục vui chơi và xây dựng tinh thần độc lập. Đến tuổi lên 1, sự độc lập của bé phát triển nở rộ đủ để gây ra một số vấn đề: muốn làm theo cách của riêng bé và bộc lộ giận dữ nhiều hơn.
<center></center>

Dành thời gian dạy dỗ
Dành thời gian để ‘huấn luyện’ bé chập chững làm những việc như người lớn là bước đầu tiên giúp bé tự giác và ý thức hơn trong việc tự phục vụ nhu cầu bản thân. “Mỗi tuần, hãy vạch ra một việc mới cho bé làm quen. Ví dụ: Với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể dạy bé dọn đồ chơi hay cho quần áo bẩn gọn vào... Còn với trẻ lớn hơn, hãy đề nghị bé tự dọn giường hay giúp bố mẹ lau dọn bàn ăn…
Ban đầu nên tách công việc này thành những bước nhỏ và kiên nhẫn dạy bé cách làm. Sau khi trẻ đã nhuần nhuyễn hơn, khéo léo hơn… hãy coi công việc đó như một ‘nhiệm vụ’ mà bé phải hoàn thành”, Amy McCready, người sáng lập tổ chức Positive Parenting Solutions, khuyên các bậc cha mẹ.
Khen ngợi sự nỗ lực của trẻ
“Ngay cả khi kết quả công việc của bé không thực sự xuất sắc, cha mẹ vẫn nên mỉm cười và tỏ ra hài lòng với nỗ lực của bé”, Tiến sĩ Frances Walfish nói.
Giai đoạn chập chững là thời kỳ quan trọng và cốt lõi nhất để dần hình thành và phát triển nhân cách cho bé. Bởi thế, dù bé làm việc nhỏ nhất, ví như: tự rót nước uống… thì cha mẹ vẫn nên thưởng bé bằng những lời khen thiện chí, nhằm nâng cao sự tự lực cho bé.
Tuyệt đối không phê phán bé, không dùng những từ “Không được! Vỡ bây giờ! Hỏng hết rồi! Hậu đậu thế!...” với bé khi bé đang học một kỹ năng nào đó.
<center></center>

Dạy trẻ tư duy
Hãy dạy bé biết cái gì hay, cái gì dở, cái gì hợp lý, cái gì không... Ví dụ, mẹ có thể dùng một con gấu bông làm 'diễn viên' để dạy trẻ cách mặc quần áo. Gấu bông lẽ ra phải đeo tất vào chân thì lại đeo vào tay, hoặc mặc áo vào người thì lại đội lên đầu. Khi theo dõi cảnh đó, bé sẽ phát biểu ngay như thế là sai, phải như thế này mới đúng.
Hoặc khi chuẩn bị ra đường, mẹ có thể hỏi bé: “Hôm nay trời lạnh quá, mình có cần đội mũ len không nhỉ? Mình nên đi giày ấm hay là xăng-đan con nhỉ?” Và nhờ bé lấy những món đồ đó ra… Nghĩa là thay vì ra lệnh cho bé tự làm một việc: “Con mặc quần áo đi, con đi giày đi...!” thì mẹ nên hướng bé đến hành động đó một cách gián tiếp.
Hạn chế trợ giúp
Cha mẹ không thể lúc nào cũng kè kè bên con 24h/ngày và 7 ngày/ tuần. Do đó, đừng bao giờ xắn tay trợ giúp con những việc mà bản thân chúng có thể tự làm. Hãy để bé tự thắt dây giày, tự lấy sữa uống, tự mặc quần áo… Nếu mẹ sợ việc để bé tự làm sẽ mất nhiều thời gian thì hãy dậy sớm hơn 15, 30 phút là ‘ok’.
Đặc biệt, thay vì ‘cầm tay chỉ việc’ hãy để bé tự nói chúng sẽ làm gì – điều này giúp trẻ có cảm giác làm chủ được thử thách. Tất nhiên, nếu bé cần vài gợi ý hay trợ giúp để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó thì cha mẹ hãy luôn sẵn sàng nhé!
Đôi khi cũng phải thể hiện sự kiên quyết
Bé tung đồ chơi ra mà không chịu dọn lại, cố tình làm nước bắn vào quần áo khi rửa tay một mình... Bạn hãy bình tĩnh cho bé biết là bạn không hài lòng, và đi sang phòng khác, nhưng tuyên bố dứt khoát: “Con để đồ chơi như thế, lát nữa bố sẽ rất buồn. Bây giờ mẹ đi rửa bát, con ở đây dọn đồ chơi vào hộp. Mẹ sẽ quay lại xem con làm đến đâu rồi”. Việc bỏ ra chỗ khác của bạn khiến trẻ chấm dứt được ý muốn đùa nhả hoặc thể hiện bướng bỉnh với người lớn.
Vai trò của bạn
Bé nhà bạn cần được tự do để khám phá cuộc sống xung quanh; vì thế, hãy cung cấp cho bé một môi trường vui chơi an toàn. Thay vì chạy sau lưng con nói “không” mỗi khi bé định chạm vào thứ gì đó, bạn hãy bỏ những thứ nguy hiểm ra xa tầm tay của trẻ.
Khuyến khích tính độc lập cho bé bằng cách tạo những việc bé có thể làm một mình. Cho bé chọn giữa hai bộ quần áo, đồ ăn nhẹ hay các hoạt động buổi chiều, sử dụng riêng thìa bát cho bé trong mỗi bữa ăn...
Nhớ rằng bé muốn “thoát” khỏi mẹ không phải do bé cứng đầu hoặc cần ít tình yêu thương. Trong khi bé muốn được độc lập, bé vẫn khao khát tình yêu của cha mẹ. Động viên bé tự làm việc gì nhưng không thờ ơ khi bé chạy lại nhờ mẹ giúp đỡ. Các bé cần được cha mẹ uốn nắn trong thời gian dài nữa.
Dấu hiệu cần được quan tâm
Mặc dù bé mới biết đi của bạn rất lo lắng khi tạm xa mẹ nhưng nên nói chuyện với bác sĩ nếu bạn thấy bé hoảng sợ, không thể làm điều gì khi không có mẹ bên cạnh hoặc bé không nguôi ngoai khi được mẹ để lại với người chăm sóc bé.
Theo Phunutoday

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn