Nhiều mẹ thấy đau đầu vì việc cai ti giả cho con. Với các bé tầm 18 tháng trở lên mới bắt đầu cai ti giả thì "công cuộc" này gặp rất nhiều khó khăn. Mẹ phải hiểu và có phương pháp mới mong giúp bé cai được ti giả.
1. Hiểu được vai trò của ti giả
Khi lập kế hoạch cai ti giả cho bé, bạn cần hiểu tầm quan trọng của vật dụng này đối với bé. Đó là thứ có thể giúp em bé đi vào giấc ngủ, giúp bé cảm thấy yên tâm và là cách tốt nhất để ngăn bé khóc. Hiểu được những tác dụng này bạn sẽ có cách tìm phương án thay thế khi bạn không cho bé dùng ti giả. Một chú gấu bông biết phát những bản nhạc dịu dàng có thể giúp bé đi vào giấc ngủ thay vì ngậm ti giả.
2. Lựa chọn thời gian phù hợp
Khi bé càng lớn, đặc biệt sau 12 tháng tuổi, việc cai ti giả cho bé càng khó. Bởi vì lúc này, bé đã biết nhận thức khá nhiều và không muốn thay đổi. Ngoài ra, không nên chọn thời điểm cai ti giả khi bé cảm thấy không khỏe, hoặc khi có nhiều thay đổi trong cuộc sống (chuyển nhà, bắt đầu đi học mẫu giáo…), đang trong giai đoạn bé gặp nhiều ác mộng, khi bé dễ bị tổn thương hoặc đang khó chịu…
3. “Cách ly” ti giả ra khỏi tầm nhìn và tâm trí
Nếu bạn đang trong giai đoạn ăn kiêng, thì tối kị để socola ở những nơi dễ nhìn thấy. Tương tự như vậy, hãy để tất cả ti giả của bé ở 1 nơi bé không thể nhìn thấy, không thể với tới, cả bạn cũng không thể nhìn thấy hoặc với tới. Bởi vì khi bé khóc, bạn sẽ dễ dàng mủi lòng và kế hoạch sẽ thất bại.
4. Tìm phương án thay thế
Bất cứ khi nào bạn thấy phù hợp để cai ti giả cho bé, thì hãy thử giới thiệu những món đồ chơi khác để bé quên đi. Hoặc có thể bạn cho bé đi ra ngoài, xem hoạt hình trên Youtube…, cố gắng vận dụng tất cả để giúp bé quên “món” ti giả khoái khẩu của mình. Tuy nhiên, nên cẩn thận khi bạn định dùng đồ ăn nhẹ để thay thế. Thói quen ăn uống thoải mái với đồ ăn vặt còn có hại hơn rất nhiều so với chứng nghiện ti giả.
5. Lựa chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng
<center></center>
Giảm dần thời lượng bé sử dụng ti giả mỗi ngày. Ngoài ra, bạn có thể giữ ti giả trong túi và tăng số lượng thời gian bạn kiên nhẫn đưa cho bé dù bé có khóc lóc đòi. Về nguyên tắc, trẻ sẽ dần nhận ra chúng cần làm quen với việc phải từ bỏ ti giả và dừng lại việc đòi hỏi.
6. Chọn biện pháp mạnh
Phương pháp này không dành cho những bà mẹ “yếu tim”, tuy nhiên đây là cách nhanh nhất để có được kết quả. Bạn cần kiên nhẫn và quyết tâm rất lớn. Bất chấp bé khóc lóc bao lâu, la hét và cầu xin, bạn cần giữ vững lập trường của mình và nhất quyết không đưa bé cho đến khi bé chấp nhận không có ti giả. Tuy nhiên, cần lựa chọn đúng thời điểm sử dụng cách này. Trong vòng 1-2 tuần, bạn sẽ rèn được bé từ bỏ ti giả.
Nếu bạn chọn cách bỏ ti giả bằng cách ném nó đi hoặc đơn giản là từ chối đưa cho bé, hãy sẵn sàng cho một cuộc chiến với con. Hãy giữ bình tĩnh với con và nhớ rằng bé có thể rất sợ hãi vì mất đi chiếc ti giả vốn có tác dụng trấn an khi đi ngủ.
7. Sử dụng các nhân vật tưởng tượng
Nhân vật tưởng tượng khá là hữu ích khi bạn cần thương lượng với những đứa trẻ, đặc biệt là những đứa trẻ nóng nảy. Ví dụ, bạn có thể nói rằng ông già Noel chỉ đến thăm và tặng quà cho những bé không dùng ti giả mà thôi.
8. Ôm bé và ru bé ngủ
Nhiều nhà nghiên cứu giấc ngủ của trẻ em đã khẳng định việc ôm bé, ru bé ngủ (bằng việc hát hoặc đọc truyện…) có thể giúp bé đi vào giấc ngủ mà không cần đến ti giả.
9. Đồng tâm hiệp lực cả nhà
Nhớ thông báo với chồng, người thân và cả người trông trẻ hay các cô giáo và bảo mẫu ở trường của bé rằng bạn đang cai ti giả cho con. Để việc này thành công, bạn cần dự hỗ trợ của tất cả những người cùng chăm sóc bé.
10. Dùi lỗ lên ti giả
Khi bạn không muốn bé dùng đến nó nữa và muốn bỏ nó đi, hãy dùi một cái lỗ trên đó, khiến nó không còn hoạt động khi bé mút nó. Điều này làm cho đứa trẻ tự nghĩ là nó đã hỏng và bé sẽ không còn thích nó nữa.
11. Đừng căng thẳng
Nếu bạn đã sử dụng rất nhiều phương pháp mà đều không thành công, đừng buồn chán và nhất là đừng tạo áp lực lên bản thân và cho trẻ. Thực tế, dạy dỗ trẻ từ bỏ 1 thói quen nào đó hoặc học 1 kĩ năng nào đó thì đều phải lựa chọn đúng thời điểm. Trong khi đó, mỗi thời điểm từ bỏ hoặc tiếp nhận ở mỗi trẻ lại khác nhau nên nếu bạn thấy những đứa trẻ khác cùng tuổi con mình đã không còn dùng ti giả thì cũng đừng lo lắng.
Theo Phunutoday
Nguồn SKĐS
Theo bau.vn