Ẵm con trên tay, nhìn ngắm con không chán mắt, nhưng trong lòng bạn cũng không khỏi những nỗi lo loáng thoáng, làm cách nào để hiểu con, làm cách nào để chăm con tốt, nhất là khi bé chỉ có thể “báo hiệu” cho bạn biết bằng tiếng khóc và những động tác ngọ nguậy của thân hình bé xíu.










1. Trẻ bú hay bị trớ

Khi cho bé bú, để bé không bị trớ, trước hết bạn phải cho bú đúng phương pháp. Tức là bé phải ngậm sâu vào hết quầng thâm ở đầu vú mẹ, mặt bé phải vuông góc với đầu vú. Khi bé mút vú không được phát ra tiếng kêu. Sau khi bú xong, cần bế bé úp bụng vào ngực mẹ, tay mẹ đỡ gáy bé và vỗ nhẹ vào lưng bé cho đến khi bé ợ hơi, rồi tiếp tục bế bé tư thế như vậy 10-15 phút rồi mới đặt bé mới tránh được trớ.

2. Táo bón ở trẻ sơ sinh

Nếu trẻ sơ sinh 2-3 ngày mới đi ngoài một lần nhưng không nôn, bụng không chướng, các biểu hiện khác bình thường, phân vàng, mềm thì không có gì đáng ngại. Bạn có thể cho bé bú bình thường, uống thêm nước và theo dõi. Nếu có dấu hiệu khác lạ mới cần đi khám.

3. Có nên bọc bé kín mít?

Với trẻ mới sinh, bé chưa thích nghi được với nhiệt độ ngoài trời nên nhất thiết cần duy trì nhiệt độ sao cho gần như nhiệt độ trong buồng tử cung là tốt nhất, tức là phải giữ cho bé ở nhiệt độ từ 32 – 34 độ (nhiệt độ môi trường).

Muốn như vậy, bạn có thể tùy theo nhiệt độ thực tế trong ngày mà điều chỉnh. Thường buổi sáng sớm và chiều tối nên mặc áo ấm cho bé, nhưng giữa trưa thì có thể để bé được thoáng hơn. Quan trọng nhất là luôn phải giữ ấm lòng bàn chân, đầu và ngực cho bé. Bạn có thể thường xuyên theo dõi lòng bàn chân bé để kiểm tra xem bé đã đủ ấm chưa. Nếu chân bé lạnh thì chứng tỏ cả người bé lạnh.

4. Bé rất hay quấy vào ban đêm

Vì mới sinh nên thường là các bé chưa điều chỉnh được nhịp đồng hồ sinh học, còn bị lẫn lộn giữa ngày và đêm. Việc này sẽ được điều chỉnh dần khi trẻ lớn lên. Bạn nên để bé thoải mái, ngủ khi nào bé thích. Gia đình có thể chia nhau, người này ngủ thì người kia thức để chăm sóc bé. Cũng nên kiểm tra kỹ các yếu tố như bé có bị ướt, bị lạnh, bị đói không, v.v. vì thông thường bé hay khóc để thể hiện một số “nhu cầu” nhất định.

5. Làm sao khi trẻ ra mồ hôi đầm đìa?

Trẻ 3 tháng tuổi nếu ra mồ hôi ở mức độ nhẹ là bình thường. Còn nếu ra mồ hôi quá nhiều, đầm đìa thì có thể nghi là dấu hiệu của còi xương. Đặc biệt, trong trường hợp trẻ không được bú sữa mẹ mà phải bú ngoài thì càng phải chú ý đặt nghi vấn về điều đó. Bạn nên sớm đưa bé đến bác sĩ, chú ý chế độ dinh dưỡng và cho bé tắm nắng mỗi ngày (để tổng hợp vitamin D, giúp cơ thể hấp thụ canxi, chống còi xương).

6. Khi nào thì được cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh?

Thật ra, việc này không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé cả. Nếu bé nhiều tóc gây nóng bức, khó chịu mới cần cắt bớt cho bé thoải mái. Còn bình thường, bé ít tóc thì bạn cứ để tự nhiên.

7. Vì sao con khóc thét lên?

Trẻ sơ sinh khóc do nhiều nguyên nhân: bị con vật như muỗi đốt, bẩn ngứa, xót vì sợi len của áo quần, cơ thể ẩm ướt, đói, lạnh, đau bụng, v.v.. Bạn cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục tình hình cho trẻ. Cũng có một số trẻ sơ sinh hay khóc thét lên vì bị giật mình khi ngủ. Nếu đã kiểm tra và không tìm được nguyên nhân, bạn nên nhẹ nhàng ẵm bé trên tay, vỗ về bé, ru nhè nhẹ, tránh mở đèn quá sáng hoặc cáu gắt. Để ý theo dõi sau đó, nếu bé vẫn bú tốt, không có biểu hiện gì bất thường thì không có gì đáng ngại.

8. Dùng tã giấy hay tã vải?

Tã giấy không liên quan đến việc tốt hay không tốt cho hệ sinh dục của trẻ. Miễn là bạn phải chú ý đến thời tiết. Khi trời nóng bức, không nên cho trẻ mặc tã giấy thường xuyên cả ngày, mỗi lần thay tã, phải vệ sinh cho bé sạch sẽ, lau khô, bôi phấn rôm, tránh để bị hăm đỏ vùng sinh dục và hậu môn.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn