Lớn lên bằng bản năng là điều cần thiết. Nhưng rất nhiều điều một đứa trẻ cần được giáo dục bằng những nguyên tắc và chuẩn mực để làm người lịch thiệp. Hãy bắt đầu từ những bữa ăn!







Bạn nghĩ rằng cần gì phải quan trọng hóa chuyện ăn. Một đứa trẻ giải quyết hết phần ăn của nó đã là may mắn lắm rồi. Nhưng thực tế, nếu được học những phép tắc trên bàn ăn, các bé sẽ có thêm kỹ năng sống cần thiết để góp phần vào những thành công sau này. Trong cuộc sống, có rất nhiều tình huống mà những xử sự lịch thiệp là điều bắt buộc. Vì vậy, đừng trông mong vào sự rộng lượng, cảm thông từ bất cứ ai trước một người lúng túng, thiếu văn minh trên bàn ăn. Và hãy dạy con bạn những phép tắc cần thiết ngay từ bây giờ.

1. Làm quen với các dụng cụ ăn từ tuổi lên 2

Trẻ con ở một số nước được học cách sử dụng những dụng cụ trên bàn ăn từ rất sớm. Chính vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi bạn thấy đứa bé chừng 3, 4 tuổi đã có thể ngồi ở bàn ăn, cầm thìa nĩa và dao cắt thức ăn đường hoàng như người lớn. Hãy cho bé con của bạn thời gian và đặt lòng kiên nhẫn vào đó, bạn sẽ thu được kết quả như mong đợi.

2. Ngồi vào bàn với đôi tay và mặt mũi sạch sẽ

Ít nhất 10 phút trước lúc bữa ăn bắt đầu, con bạn cần dừng các hoạt động như xem ti vi, đọc sách hay đang chơi trò nào đó. Hãy đảm bảo rằng con đã sẵn sàng với đôi bàn tay và mặt mũi sạch sẽ để không làm những người cùng bàn ái ngại. Không chỉ là vấn đề vệ sinh hay sức khỏe, đây còn là cách thể hiện sự tôn trọng những người cùng tham dự bữa ăn.

3. Không vừa ăn vừa uống

Bạn đã nhìn thấy rất nhiều đứa trẻ miệng đang đầy thức ăn mà còn cố mở ra để uống thêm nước nữa, đúng không? Hãy nghiêm khắc nhắc nhở con đừng bao giờ lặp lại điều này bằng cách giải thích đơn giản: miệng của con chỉ nên mở ra một lần để tiếp nhận thức ăn và chỉ mở ra lại khi thức ăn đã được nuốt hết.

4. Cho vào miệng một lượng thức ăn vừa phải

Chẳng đẹp mắt chút nào trước hình ảnh một người nhồm nhoàm cố nhai cho được miếng thức ăn quá to trong miệng. Đó là chưa kể những vụn thức ăn có thể rơi vãi từ miệng. Điều này rất thường gặp ở bọn trẻ bởi chúng chỉ đơn giản nghĩ rằng, làm sao ăn càng nhanh càng tốt chứ chưa có khái niệm ăn sao cho đẹp. Hãy nhắc con chỉ nên lấy từng miếng nhỏ, vừa đủ cho vào miệng để nhai mà không phải phồng má, trợn mắt. Không nên vừa nhai vừa nói chuyện mà phải biết chờ đợi cho đến khi nuốt xong hết, và đừng quên khép miệng lại trong lúc nhai cũng như bỏ khuỷu tay khỏi bàn.

5. Không chê bai

Nhiều đứa trẻ không tìm thấy niềm vui trong những bữa ăn và phản ứng đầu tiên của chúng là nhăn nhó chê bai rằng món này không ngon, rằng con không thích… Đừng dễ dàng cho qua điều này nếu bạn muốn con mình là người lịch sự và biết cách xã giao trên bàn ăn. Hãy cho con biết người nấu đã phải chuẩn bị như thế nào, mất thời gian và công sức ra sao để con có sự tôn trọng nhất định với thức ăn mà mình nhận được. Con không nhất thiết phải ăn hết nhưng cần biết giữ im lặng và không phàn nàn nếu có điều gì không hài lòng về món ăn.

6. Luôn có ý thức bảo vệ môi trường và sức khỏe

Từ khâu đi chợ hoặc siêu thị mua các nguyên liệu nấu nướng cho đến khi mọi thứ được bày biện ra bàn, chúng ta có thể góp phần tác động rất nhiều đến môi trường và cả sức khỏe của mình. Vì vậy, hãy dạy con biết lựa chọn các vật dụng, chất liệu thân thiện với môi trường bên cạnh thói quen ăn uống tốt. Con cần học cách chế biến một vài món ăn đơn giản để hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, sẵn. Tiết kiệm điện, nước cũng là điều cần thiết.

Cuối cùng, đừng quên con bạn chỉ là một đứa trẻ. Bạn không thể cùng lúc bắt con phải nhớ và thực hiện ngay những yêu cầu. Việc rèn luyện những kỹ năng là cả một quá trình. Và quan trọng, bạn cần cho con biết bữa ăn không chỉ là lúc tạm dừng các hoạt động khác để nạp năng lượng mà còn là dịp để cả nhà cùng ngồi bên nhau trong sự vui vẻ, ấm cúng. Bài học về sự yêu thương và gắn bó luôn quan trọng hơn bất cứ thứ gì.

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn