(bau.vn) Giáo viên mầm non (GVMN) là một nghề khá vất vả, nhưng lại chưa nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, khiến đời sống của giáo viên còn gặp không ít khó khăn. Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11), hãy nghe những trải lòng về nghề nuôi dạy trẻ này.





* Duy Nam (Tp. Thanh Hóa): Ngưỡng mộ những GVMN!

Có con là một niềm vui! Nhưng đôi khi, tôi cũng thấy mệt mỏi bởi con bướng bỉnh không nghe lời. Những lúc ấy, tôi thật sự ngưỡng mộ các cô giáo mầm non. Tôi nghĩ, mình chăm có một bé đã đủ mệt, huống chi các cô phải chăm một lúc mấy chục bé, mỗi bé lại có những thói quen, tính nết khác nhau.
Nếu như các nghề khác làm việc 8 tiếng/ngày, hoặc giáo viên các cấp học khác chỉ dạy theo tiết, theo buổi và được nghỉ trưa, thì GVMN lại không được như thế. Đưa con đến lớp dù sớm hay muộn, chúng tôi đều thấy các cô có mặt và ân cần đón nhận. Mỗi ngày, các cô bắt đầu làm việc từ trước 6giờ30 và kết thúc lúc 17giờ, chậm chí muộn hơn. Các cô làm tất cả mọi việc, từ dạy, chơi, cho trẻ ăn, ngủ, vệ sinh, bảo đảm an toàn cho trẻ, cùng trách nhiệm lớn lao đối với sự phát triển thể chất, tâm hồn của trẻ. Thế nên, ngoài áp lực từ công việc phía nhà trường, các cô còn phải chịu áp lực từ phụ huynh. Chúng ta cần phần nào hiểu được nỗi vất vả mà các cô đang trải qua. Bạn hãy thử trông cùng lúc vài chục trẻ để thông cảm hơn với GVMN. Họ làm nhiều, nhưng đồng lương lại chẳng tương xứng với trách nhiệm công việc!
* Vũ Hà Vy (Hoàng Mai, Hà Nội): Không phải ai cũng có thể làm GVMN!

Chị dâu mình là GVMN và thường xuyên bị stress nặng. Mỗi khi về nhà, chỉ muốn “cấm khẩu” và nằm nghỉ ngơi. Mình thấy, phụ huynh nào cũng muốn cô coi con mình là “cục cưng”, có gì là trách mắng, dọa nạt, nói về lý lẽ với đạo đức làm thầy... Sau 10 năm đi dạy, chị mình giờ đã vui vẻ vì đã quen với môi trường. Tuy nhiên, quen rồi nên thấy “bình thường” trước cảnh trẻ quấy khóc, bỏ ăn, chứ không “xót trẻ” như lúc đầu mới vào nghề. Mọi áp lực và vất vả giúp các cô trở nên “chai sạn”, không còn cảm thấy “hồ hởi” với sự đáng yêu của trẻ nữa. Do đó, nhiều khi các mẹ cứ thắc mắc là chẳng thấy các cô tươi cười khi gặp phụ huynh.

Hôm trước, mình đến đón con và ở lại chơi với chị một lát mới thấy GVMN vất vả thế nào. Mệt mỏi vì lũ trẻ quấy khóc, phụ huynh thì không phải ai cũng biết “lý lẽ”, con mình đánh con người ta thì xin lỗi là “xong chuyện”, nhưng con con mình bị trẻ khác lỡ đánh thì làm ầm ĩ lên đòi… công bằng. Nhìn chung, GVMN là một nghề mà không phải ai cũng có thể làm và “theo” được suốt đời. Phải có tấm có lòng yêu nghề và đặc biệt là có sự trợ giúp, thông cảm từ phía gia đình, thì các cô mới có thể yên tâm công tác tốt được.
* Nguyễn Hằng (Trường MN Hoa Sữa Hà Nội): Chúng tôi chưa nhận được sự thông cảm từ phía phụ huynh!

Trước đây khi còn là sinh viên, với lòng yêu nghề và tình yêu trẻ, tôi nghĩ sẽ chẳng bao giờ mình nhận tiền của phụ huynh. Và, dù có “buộc” phải nhận của phụ huynh nào đó thì cũng sẽ không phân biệt đối xử với học sinh của mình. Nhưng sau nhiều năm ra trường, thực tế là từ lúc đi dạy, tôi mới thấy đời sống của GVMN khó khăn đến nhường nào. Tuy nhiên, không vì sự khó khăn đó mà chúng tôi lơ là, không nhiệt huyết với nghề. Công việc của chúng tôi gắn liền với trẻ, bằng sự nuôi dưỡng và chăm lo sức khỏe của trẻ. Vì thế, chỉ cần không để tâm một chút là sẽ gây nên những hậu quả không tốt ngay.
Còn chuyện “tặng quà” của phụ huynh, chúng tôi luôn cảm thấy áy náy khi mà đằng sau món quà là những lời nói không mấy thiện cảm dành cho các cô như “có quà thì cô mới chăm sóc con tốt”, “tặng quà thì cô mới cho con mình ăn đầy đủ”… Vậy, phụ huynh tặng quà cho các cô với mục đích gì: cảm ơn các cô đã hết lòng quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ con, gửi gắm các con cho cô, hay sợ cô đánh con? Chúng tôi đều hiểu hết! Các cô rất trân trọng những món quà mà trong đó là tấm lòng, sự tôn trọng, chân thành của phụ huynh. Còn với những món quà kèm theo đó là sự coi thường, ủy thác toàn bộ việc chăm sóc con cho giáo viên thì chúng tôi khó có thể chấp nhận. Thế nhưng, dù sao thì các cô vẫn làm việc theo lương tâm của người giáo viên.

Là giáo viên, nhưng chúng tôi cũng là mẹ. Vì vậy, việc thương yêu, chăm sóc các cháu như con mình là điều dễ hiểu. Trong nhiều trường hợp, thời gian chúng tôi ở bên cạnh để nuôi dạy và chăm sóc các con còn nhiều hơn thời gian cha mẹ dành cho con cái của mình. Thế nhưng, dường như chúng tôi không nhận được sự thông cảm từ phía phụ huynh, thậm chí họ chỉ coi chúng tôi như những bảo mẫu. Họ chỉ nghĩ đơn thuần là con mình đến trường chỉ có ăn - ngủ và nhiệm vụ của chúng tôi cũng chỉ có vậy. Tuy nhiên, họ đâu biết được bây giờ đến trường, trẻ được học nhiều điều hơn, chứ không chỉ có mỗi ăn và ngủ.
Khang Hân

Nguồn SKĐS




Theo bau.vn