<p>
Bệnh sốt xuất huyết (SXH) xuất hiện và lưu hành quanh năm ở nước ta nhưng thường tăng cao vào một số tháng thích hợp nếu muỗi truyền bệnh Aedes aegypti, Aedes albopictus hoạt động với mật độ cao. Thực tế độ ẩm và nhiệt độ cao là điều kiện thuận tiện cho muỗi phát triển, làm tăng khả năng truyền bệnh, gây nguy cơ bùng phát dịch.
</p>
<p style="text-align: center;">

</p>
<p>
<p style="text-align: justify;"><strong>Đặc điểm bệnh SXH</strong></p>
<p style="text-align: justify;">Năm 2015 với thông tin thu nhận, bệnh SXH xảy ra tại 53 tỉnh, thành phố ở nước ta làm cho 82.000 người mắc, gây 52 trường hợp tử vong.</p>
<p style="text-align: justify;">Ai cũng biết rằng bệnh SXH Dengue thường được người dân gọi ngắn gọn là bệnh SXH. Bệnh gây nên do người bệnh bị nhiễm loại virut Dengue với 4 týp huyết thanh DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4 từ 2 loài muỗi Aedes aegypti, Aedes albopictus chích đốt máu và truyền bệnh; chúng có khả năng làm bệnh xảy ra cấp tính và có thể gây thành dịch lớn. Ở nước ta, bệnh có tính chất lưu hành địa phương, trên thực tế thường gặp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ và vùng ven biển miền Trung. Do đặc điểm địa lý, khí hậu khác nhau nên ở miền Nam và miền Trung bệnh xuất hiện quanh năm; ở miền Bắc và Tây Nguyên bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Riêng ở miền Bắc vào những thời điểm có thời tiết lạnh, ít mưa, khí hậu không thích hợp cho sự sinh sản và hoạt động của muỗi truyền bệnh thì bệnh hạn chế. Nhìn chung, bệnh SXH Dengue phát triển nhiều nhất từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm.</p>
<p style="text-align: center;"><br><br></p>
<p style="text-align: center;"><em>Sốt xuất huyết bùng phát dịch theo mùa bệnh và chu kỳ, cần chủ động biện pháp khống chế.</em></p>
<p style="text-align: justify;">Tất cả mọi người sống trong vùng dịch tễ bệnh SXH lưu hành chưa có miễn dịch đặc hiệu đều có thể bị mắc bệnh, từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn. Sau khi khỏi bệnh sẽ được miễn dịch suốt đời đối với týp virut Dengue gây bệnh mắc phải nhưng không được miễn dịch bảo vệ chéo với các týp virut khác. Nếu mắc bệnh lần thứ hai với týp virut Dengue khác, bệnh nhân có thể bị bệnh nặng hơn và dễ xuất hiện tình trạng sốc. Việc chẩn đoán xác định bệnh được thực hiện tại phòng thí nghiệm bằng phương pháp phân lập, phát hiện vật liệu di truyền hoặc kháng nguyên virut ở máu trong vòng 5 ngày đầu kể từ khi bị sốt hoặc phát hiện kháng thể IgM (immunoglobulin M) kháng virut Dengue đặc hiệu trong huyết thanh của bệnh nhân từ sau ngày thứ 5.</p>
<p style="text-align: justify;">Như vậy, căn cứ vào thực trạng thu thập, SXH được các nhà khoa học xác định bệnh có tính chất lưu hành địa phương, chúng thường phát triển hằng năm theo mùa truyền bệnh và có khả năng bùng phát thành dịch theo chu kỳ nhiều năm với tính chất định kỳ. Quy luật này đã giúp các chuyên gia y tế dự phòng dự báo và xây dựng kế hoạch phòng chống có hiệu quả.</p>
<p style="text-align: justify;"><strong>Xác định dịch SXH và biện pháp xử lý</strong></p>
<p style="text-align: justify;">Với quy luật của mùa truyền bệnh và nguy cơ phát triển, bùng phát dịch bệnh SXH có chu kỳ đã nêu ở trên; việc xác định ổ dịch, vụ dịch SXH phải căn cứ vào những yếu tố, tiêu chuẩn để thống nhất. Trên thực tế trước khi hình thành ổ dịch, vụ dịch SXH với khả năng bùng phát lây lan trên diện rộng làm cho nhiều người mắc, tại các địa phương đó đã ẩn chứa những yếu tố nguy cơ. Những yếu tố này chỉ biết được qua công tác điều tra, giám sát dịch tễ để phát hiện; nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì ổ dịch, vụ dịch sẽ phát triển và bùng phát trên diện rộng hơn gây ra nhiều tác hại. Dịch bệnh SXH chỉ bị đẩy lùi khi có tác động giải pháp can thiệp sớm và phù hợp.</p>
<p style="text-align: justify;">Giai đoạn tiềm ẩn: Xác định được yếu tố nguy cơ cao có khả năng phát triển dịch bệnh nhờ công tác giám sát, điều tra dịch tễ muỗi trưởng thành và bọ gậy muỗi Aedes aegypti, Aedes albopictus mỗi tháng một lần theo quy trình với 2 chỉ số: Chỉ số mật độ muỗi là số muỗi cái Aedes trung bình trong một gia đình, được điều tra bằng phương pháp soi bắt muỗi cái đậu nghỉ trên quần áo, chăn màn, đồ vật trong nhà ban ngày bằng ống tuýp thủy tinh hoặc máy hút cầm tay; mỗi nhà soi bắt muỗi khoảng 15 phút, mỗi điểm điều tra 30 nhà. Chỉ số Breteau thường gọi là chỉ số BI (Breteau index) là số dụng cụ chứa nước có bọ gậy muỗi Aedes trong 100 nhà điều tra, tối thiểu phải điều tra được 30 nhà để tính hệ số tương quan. Nếu chỉ số mật độ muỗi trưởng thành cao từ 0,5 con/nhà trở lên hoặc chỉ số BI cao từ 30 trở lên là khả năng dịch bệnh phát triển. Riêng khu vực phía Bắc thì chỉ số mật độ muỗi trưởng thành cao từ 0,5 con/nhà trở lên hoặc chỉ số BI cao từ 20 trở lên là dấu hiệu khả năng dịch bệnh phát triển. Khi phát hiện được yếu tố nguy cơ cao có khả năng phát triển thành dịch bệnh, phải chủ động xử trí biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát như phun hóa chất diệt muỗi, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy và lăng quăng muỗi... theo chỉ định của cơ quan y tế dự phòng.</p>
<p style="text-align: justify;">Giai đoạn xảy ra dịch bệnh: Xác định ổ dịch SXH Dengue xảy ra tại cơ sở tổ dân phố, khu phố, xóm, ấp, cụm dân cư hoặc địa bàn tương đương... khi ở tại đó có các ca bệnh SXH Dengue lâm sàng xảy ra trong vòng 7 ngày hoặc một ca bệnh SXH Dengue được chẩn đoán xác định rõ tại phòng xét nghiệm. Đồng thời phát hiện sự có mặt của bọ gậy muỗi hoặc muỗi truyền bệnh trong phạm vi bán kính 200m. Khi phát hiện có ổ dịch SXH tại cơ sở, phải xử lý ổ dịch theo đúng quy định như: tổ chức điều trị bệnh nhân, phun hóa chất diệt muỗi, giám sát bệnh nhân và trung gian truyền bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe, thực hiện chiến dịch diệt bọ gậy và lăng quăng muỗi... Nếu không chủ động xử lý kịp thời, từ một ổ dịch đơn giản lúc đầu có thể phát triển thành nhiều ổ dịch lớn hơn với quy mô dịch lan rộng thành vụ dịch xảy ra trên địa bàn gây nên nhiều tổn thất. Lưu ý các biện pháp xử lý ổ dịch SXH phải được triển khai thực hiện sớm trong vòng 48 giờ kể từ khi ổ dịch được xác định.</p>
<p style="text-align: justify;">Giai đoạn dịch kết thúc: Xác định ổ dịch SXH Dengue chấm dứt khi tại địa phương xảy ra ổ dịch đã không phát hiện có thêm ca bệnh mới trong vòng 14 ngày kể từ ngày khởi phát của ca bệnh cuối cùng. Việc xác định này cần thận trọng và phải được cơ quan y tế dự phòng có trách nhiệm thực hiện. Khi dịch bệnh kết thúc, căn cứ vào thực trạng thiệt hại do dịch bệnh ảnh hưởng; nên đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh SXH tại cơ sở để cộng đồng người dân liên hệ thực tế, chuyển biến nhận thức, tham gia tích cực các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tích cực hơn.</p>
</p>

<div>
<div>


[IMG]/images/btn-share2.png[/IMG]

</div>




<div data-size="medium" data-annotation="inline" data-width="120" style="float: left"></div>
<div data-href="http://bau.vn/tin-tuc/tin-31944/khong-the-chu-quan-voi-sot-xuat-huyet.html" data-width="150" data-layout="standard" data-action="like" data-show-faces="true" data-share="true" style="float: left"></div>
</div>

<div style="clear:both"></div>
<p style="text-align:right; color:#BBBBBB; font-style:italic; margin-bottom:10px;">Nguồn Sức Khỏe Đời Sống</p>

Theo bau.vn