<p>
Đây là câu hỏi của rất rất nhiều bà mẹ, trong nỗi lo sợ vô vàn cùng sự đe dọa không thương tiếc của thế hệ đi trước nhiều kinh nghiệm!
</p>
<p style="text-align: center;">

</p>
<p>
<p style="text-align: justify;">Trước khi sợ, chúng ta phải định nghĩa lại vài điều, xem chúng ta thật sự biết những gì chúng ta đang “sợ” hay không nhé! Sợ mà không biết rõ điều mình sợ, thì thật là....hơi ngớ ngẩn, phải không nào?!!!</p>
<p style="text-align: justify;">Vậy định nghĩa “đứng sớm” là gì? 6 tháng đứng dậy gọi là sớm, 7 tháng gọi là sớm, hay 8 tháng gọi là sớm? Điều bạn nên biết về mốc phát triển trung bình của con trẻ trong việc đi đứng là như sau: </p>
<p style="text-align: justify;">• 6-10 tháng: đa số các trẻ bắt đầu học cách vịn đồ vật, và kéo thân mình lên vào tư thế đứng. </p>
<p style="text-align: justify;">• 7-13 tháng: đa số trẻ sẽ bắt đầu biết vịn lần lần để di chuyển bản thân. Cũng trong thời gian này, một số trẻ có thể đi được với sự hỗ trợ của người lớn (nhưng bạn không nên bắt trẻ tập đi một mình nhé! – lý do sẽ có ở phần sau)</p>
<p style="text-align: justify;">• 11-14 tháng – đa số trẻ sẽ bắt đầu đi được một mình</p>
<p style="text-align: justify;">Điều này có nghĩa là gì? Nếu con bạn khoảng gần 6 tháng tuổi mà bắt đầu vịn đứng, đó là “lịch phát triển” của riêng con bạn, bạn nên thấy vui vì đây là một bước tiến trong phát triển vận động của con mình! Chứ không phải là tự nhiên rước lo vào thân, vì thấy "thằng nhỏ khác 8 tháng chưa đứng được, sao con mình đứng được" nhé! Mỗi bé có một lịch trình phát triển riêng tự nhiên, đã được cài sẵn rồi, đừng nhìn quanh mà so sánh làm gì cho mệt!!!</p>
<p style="text-align: justify;">Rồi, vậy thì còng chân là gì? Có đáng lo hay không? </p>
<p style="text-align: center;"><br><br><em>Còng chân hay chân vòng kiềng là một hiện tượng khi trẻ đứng thẳng, hai chân chụm lại, ngón chân cái hướng ra phía trước, thì mắt cá chân hai bên chạm vô nhau, nhưng đầu gối hai bên cách xa nhau.</em></p>
<p style="text-align: justify;">Còng chân hay chân vòng kiềng là một hiện tượng khi trẻ đứng thẳng, hai chân chụm lại, ngón chân cái hướng ra phía trước, thì mắt cá chân hai bên chạm vô nhau, nhưng đầu gối hai bên cách xa nhau. Bạn có biết rằng, còng chân là một phát triển bình thường của hệ cơ xương ở trẻ nhũ nhi. Thật ra, từ khi sinh ra, tất cả các trẻ đều có còng chân, ở một mức độ nào đó, nhưng chẳng ai thèm để ý. Khi trẻ bắt đầu tập đứng, còng chân thấy rõ hơn, người lớn mới “thấy” được sự cong cong của chân và mới bắt đầu lo sợ. Khi trẻ lớn dần, cơ phát triển mạnh hơn, các xương bắt đầu thay đổi và dần dần thẳng ra. Đến khoảng 18 tháng tuổi, chân của trẻ thẳng dần ra. Đến 2-3 tuổi, còng chân sinh lý mất đi, và chân của trẻ lại có thể có dạng hai đầu gối khuỳnh vào nhau (Knock knees – hình minh họa), và từ từ trở lại tư thế “bình thường” của người lớn sau vài năm sau nữa!</p>
<p style="text-align: justify;">Còng chân bệnh lý, chiếm khoảng dưới 1% các trường hợp còng chân ở trẻ dưới 2 tuổi. Có hai loại còng chân bệnh lý mà chúng ta cần biết vì phổ biến nhất: </p>
<p style="text-align: justify;">1. Bệnh Blount ở trẻ nhũ nhi: đây là còng chân bệnh lý, bất thường phát triển xương cẳng chân, xảy ra trong quá trình phát triển của trẻ.</p>
<p style="text-align: justify;">Người ta thấy rằng bệnh này thường xảy ra ở những trẻ (thường bị thừa cân) tự đi một mình sớm trước 12 tháng tuổi, một số trường hợp có yếu tố di truyền. </p>
<p style="text-align: justify;">2. Bệnh còi xương: do thiếu vitamin D, gây xương mềm, yếu, dễ biến dạng khi chịu trọng lực của trẻ. Ở các thế hệ trước, bệnh này khá thường gặp. Ở thời đại ngày nay, bệnh này rất hiếm gặp. Khuyến cáo hiện nay là mẹ cho con bú mẹ hoàn toàn, nên bổ sung vitamin D 400IU một ngày cho con, cho đến khi con được 1 tuổi. Nếu trẻ bú sữa công thức hoàn toàn, trẻ không cần bổ sung thêm vitamin D. Khi được bổ sung đúng và đủ vitamin D, chúng ta có thể tránh nguy cơ bệnh còi xương ở trẻ.</p>
<p style="text-align: justify;">Vậy cho nên, thật sự là, con bạn đứng “sớm” không đồng nghĩa với nguy cơ bị còng chân, mà chỉ là làm rõ hơn sự còng chân sinh lý của trẻ mà thôi. Trẻ thừa cân tự đi sớm trên 12 tháng, có thể có nguy cơ phát triển còng chân bệnh lý, vì vậy cho nên, không nên ép con trẻ tập đi một mình quá sớm, và nếu bé có đi trong giai đoạn trước sinh nhật 1 tuổi, nên được người lớn hỗ trợ để không tạo áp lực trọng lực quá nhiều đối với xương cẳng chân của trẻ.</p>
<p style="text-align: justify;">Hiện nay, khuyến cáo bạn chỉ nên lo về còng chân và cho trẻ đi khám bác sĩ khi: </p>
<p style="text-align: justify;">• Trẻ bị còng chân rất nặng</p>
<p style="text-align: justify;">• Trẻ được hơn 3 tuổi và vẫn còn bị còng chân</p>
<p style="text-align: justify;">• Trẻ sau 8 tuổi bị khuỳnh gối nặng hơn</p>
<p style="text-align: justify;">• Trẻ chỉ bị còng chân 1 bên mà thôi</p>
<p style="text-align: justify;">• Trẻ bị đau, hoặc khập khiễng khi đi. </p>
<p style="text-align: justify;">• Trẻ có chiều cao thấp bất thường so với tuổi.</p>
</p>

<div>
<div>


[IMG]/images/btn-share2.png[/IMG]

</div>




<div data-size="medium" data-annotation="inline" data-width="120" style="float: left"></div>
<div data-href="http://bau.vn/be-yeu/tin-32601/tre-dung-som-co-bi-cong-chan.html" data-width="150" data-layout="standard" data-action="like" data-show-faces="true" data-share="true" style="float: left"></div>
</div>

<div style="clear:both"></div>
<p style="text-align:right; color:#BBBBBB; font-style:italic; margin-bottom:10px;">Nguồn Sức Khỏe Đời Sống</p>

Theo bau.vn